Tạp ghi Huy Phương
“Về quê ăn Tết,” bốn tiếng ấy như réo gọi trong lòng chúng ta nỗi nhớ nhà, niềm ray rứt được nhìn lại quê hương, những khuôn mặt thân thuộc, mỗi năm khi ngày Tết Âm lịch sắp đến. Đây cũng là một thói quen, một phong tục đã gắn liền với con người, nói riêng là con người Việt Nam của chúng ta.
Về quê ăn Tết như một cơn sốt thời đại, khó lòng cưỡng nỗi, nên dù giữa những lo toan cho cuộc sống, thậm chí cả đdến ngay giữa lúc đói nghèo, nếu không dành dụm được thì người ta cũng chạy vạy, vay mượn để có chút phương tiện về quê, lỉnh kỉnh với những món quá ân nghĩa cho cha mẹ, anh em, thậm chí cả chòm xóm, láng giềng. Ai không có phương tiện, hay trở ngại để về quê ngày Tết mà không rơi nước mắt khi nghe bài hát của nhạc sĩ Nhật Ngân: “Xuân này con không về!”
Người lên thành phố làm ăn thì trở về quê mỗi năm để ăn Tết, người ra Bắc, kẻ vô Nam theo sinh kế cũng mong có ngày Tết với quê nhà, tùy đoạn đường gần xa mà đi bằng tàu lửa, xe hơi hay xe gắn máy, không áo gấm xênh xang thì cũng với y phục tươm tất và quà cáp mang theo. Cách xa nghìn dặm như đi làm ăn hay sinh sống ở nước ngoài, chuyến hành trình vất vả, tốn kém, nhưng cũng ráng thu xếp để có ngày về quê ăn Tết.
Cabramatta thuộc tiểu bang New South Wales, Australia, một khu vực ngoại ô thành phố Sydney Úc, nơi người Việt tập trung đông đúc từ những năm đầu của thập niên 1980, ngày nay lên đến 40% trong tổng dân số, là một nơi buôn bán trù phú. Từ đây đi Sài Gòn, chỉ mất 8 giờ bay. Đây cũng là nơi tập trung nhiều cộng đồng người Châu Á di cư khác, nên vào những ngày Tết Âm Lịch, từ giữa Tháng Chạp cho đến hết Tháng Giêng, Cabramatta là một thành phố chết, phố xá đóng cửa, dân cư đi lại thưa thớt, vì “toàn dân đã về quê ăn Tết!” Nếu có một câu hỏi mà người Việt Nam hỏi nhau “Tết này có về Việt Nam ăn Tết không?” thì ở thành phố này được nghe hỏi nhau nhiều nhất!
Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, nhiều đợt di dân từ Bắc vào Nam để kiếm sống ở những vùng đất phì nhiêu, trù phú hơn, có kế hoạch hay không kế hoạch của chính phủ Hà Nội, nên những ngày cuối năm, số người về quê ăn Tết và trở lại, thành những con số vĩ đại.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay – 2021, công chức, viên chức nghỉ liền bảy ngày liên tục, từ Thứ Tư, ngày 10 Tháng Hai, 2021 đến hết thứ ba ngày 16 Tháng Hai, 2021 (tức ngày 29 Tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày Mùng 5 Tháng Giêng năm Tân Sửu).
Tính đến ngày 16 Tháng Giêng đã có 72 trường đại học trên cả nước công bố lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2021. Năm mới Tân Sửu sẽ bắt đầu vào ngày 12 Tháng Hai, 2021, nhiều trường đại học đã lên kế hoạch cho sinh viên nghỉ Tết, số ngày nghỉ của các trường là từ 15 đến 28 ngày, trong đó có trường cho nghỉ đến 49 ngày. Thời gian nghỉ Tết quá dài, ai lại không nghĩ đến chuyện sắp xếp để có một chuyến về quê ăn Tết.
Các phương tiện giao thông như xe lửa, xe đò, máy bay, và trên đường phố nghẹt đầy những đám đông xe gắn máy, hỗn độn không có thể kiểm soát được. Đương nhiên, tai nạn đường sá gây chết người cũng đã xẩy ra không ít.
Bến xe, nhà ga đầy những con người ăn ngủ vật vờ, chen lấn để kiếm một tấm vé về quê. Một năm mới có một lần và cái “một lần” này được lặp đi lặp lại theo thời gian.
Không phải chỉ riêng ở Việt Nam mới có cảnh này, mà ở Ấn Độ, Trung Quốc, thấy cảnh tượng “về quê ăn Tết,” mà hãi hùng.
Năm nay, sẽ không còn xẩy ra cái cảnh mười người đi đón một người thân ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Lần đầu tiên trong lịch sử, đây là một cái Tết thất thu, vì “Xuân này, con không về Mẹ ơi!”
Do xuất hiện của virus COVID-19 loại mới, lây lan nhanh hơn ở nhiều nước, Việt Nam đã hạn chế tối đa các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán. Nếu chạy chọt, chen chúc được một chuyến về, thì cũng bị cô lập, không được gặp thân nhân, ở trại lính, ăn cơm hộp, uống nước chai, tập trung trong 14 ngày, thì còn gì là Tết nữa mà về!
Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên về một chuyện “về quê ăn Tết” hãi hùng, đó là chuyến trở về thành phố Huế vào ngày Tết Mậu Thân. Chúng tôi bị kẹt lại trong vòng vây hãm của Việt Cộng trong 21 ngày đêm, may mắn là vùng tôi ở Việt Cộng chưa hoàn toàn kiểm soát và đặt chính quyền để thi hành chuyện bắt bớ, bắn giết người hàng loạt.
Cũng trong thành phố này, nhiều sinh viên học sinh, sinh viên sĩ quan, công chức, quân nhân đi phép về thăm nhà, bị bắt và cuối cùng bị giết, chôn sống hay xử bắn, chôn chung trong những hầm chôn tập thể, mà dân chúng đã phát giác sau này khi Việt Cộng đã rút đi. Tôi và gia đình đã được an toàn trốn khỏi Huế, về đến Saigon, trước ngày quân đội VNCH chiếm lại Huế.
Trong phim “Nhớ Huế” sản xuất năm 1991, đạo diễn Đinh Anh Dũng đã đặt vào miệng một đứa trẻ hỏi rằng: “Quê hương là cái gì mà người ta tha thiết đến thế?” Có lẽ tuổi trẻ chưa hiểu hết những ý niệm tha thiết về quê hương, nhưng càng về già, hình ảnh quê hương trong lòng chúng ta càng rõ nét.
Nhưng quả là năm nay, mang tâm trạng của hàng triệu người Việt đã bỏ quê hương ra đi, không phải chỉ vì chuyện COVD-19 mà thôi, mỗi chúng ta, ai cũng ngậm ngùi: “Xuân này con không về, Mẹ ơi!”
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ve-que-an-tet-2/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét