Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

4144 - Lộ diện ‘Tứ trụ’ và sự khó đoán định gia tăng trong chính trị Việt Nam

Tác giả: Lê Hồng Hiệp


“Chính trị là nghệ thuật của những điều có thể”. Câu nói nổi tiếng của chính trị gia người Phổ Otto Von Bismarck hàm ý rằng các chính trị gia đôi khi phải thỏa hiệp với nhau để đạt được những giải pháp mà tất cả các bên liên quan đều có thể chấp nhận. 

Những thỏa hiệp như vậy thường biến những giải pháp chính trị dường như là không tưởng trở nên khả dĩ. Một ví dụ điển hình cho câu nói này chính là kết quả của Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) khóa 12.

Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của ĐCSVN, diễn ra trong hai ngày 16-17/01/2021, đã đưa ra quyết định về các vị trí nhân sự hàng đầu của Việt Nam vốn sẽ được thông qua tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 sắp tới của Đảng. Thông tin không chính thức nhưng đáng tin cậy từ hội nghị cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục ở lại giữ cương vị tổng bí thư và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được đề bạt làm chủ tịch nước. Trong khi đó, vị trí thủ tướng sẽ do ông Phạm Minh Chính, hiện là trưởng ban tổ chức trung ương, tiếp quản, và ông Vương Đình Huệ, nguyên phó thủ tướng chính phủ và hiện là bí thư thành ủy Hà Nội, sẽ trở thành tân chủ tịch quốc hội.

Việc Trung ương Đảng chấp thuận để Tổng Bí thư Trọng, hiện 77 tuổi, ở lại dù tuổi cao, sức yếu và đã hết giới hạn nhiệm kỳ là một điều bất ngờ đối với hầu hết các nhà quan sát chính trị Việt Nam. Trong một bài bình luận vào tháng 9 năm 2020, tác giả bài biết này cho rằng có khả năng ông Trọng sẽ ở lại sau Đại hội 13 nhưng trên cương vị chủ tịch nước chứ không phải tổng bí thư. Điều này là do trong khi Đảng có thể một lần nữa coi ông Trọng là “trường hợp đặc biệt” để miễn giới hạn tuổi tác cho ông, thì Điều lệ của Đảng quy định rằng “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Vì ông Trọng đang đảm nhiệm nhiệm kỳ tổng bí thư thứ hai và đảng chưa công bố bất kỳ ý định nào sẽ sửa đổi điều lệ, giới hạn nhiệm kỳ sẽ là trở ngại lớn nhất để ông có thể ở lại trên cương vị tổng bí thư. Tuy nhiên, quyết định được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 15 có nghĩa là việc sửa đổi điều lệ Đảng sẽ được tiến hành ngay tại Đại hội 13 để mở đường cho ông Trọng tiếp tục ở lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng được nhiều người cho là sẽ nghỉ hưu nếu không giành được vị trí tổng bí thư. Điều này là do ông Phúc, hiện 67 tuổi, đã vượt quá giới hạn 65 tuổi để tái cử vào Bộ Chính trị, trong khi thông lệ là chỉ có một trường hợp đặc biệt được áp dụng cho vị trí tổng bí thư. Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương 15 đã quyết định lần này ông Phúc sẽ được coi là trường hợp đặc biệt thứ hai để có thể ở lại đảm nhiệm chức chủ tịch nước.

Việc sắp xếp để ông Phạm Minh Chính đảm nhiệm vị trí thủ tướng chính phủ và ông Vương Đình Huệ đảm nhiệm vị trí chủ tịch quốc hội ít gây ngạc nhiên hơn. Tuy nhiên, việc ông Chính được đề bạt nắm giữ chức thủ tướng cũng là một sự phá vỡ truyền thống vì từ năm 1986 đến nay, vị trí này luôn được dành cho một trong các phó thủ tướng của nhiệm kỳ trước, một vị trí mà ông Chính chưa từng đảm nhiệm. Hơn nữa, việc không có chính trị gia miền Nam nào nắm giữ một trong bốn vị trí cao nhất có nghĩa là Đảng cũng đã quyết định gạt qua một bên một thông lệ quan trọng khác, đó là duy trì sự cân bằng vùng miền trong bốn vị trí hàng đầu của đất nước. Để bù đắp cho điều này, một trong những chính trị gia miền Nam trong Bộ Chính trị tiếp theo được dự kiến sẽ nắm giữ ghế thường trực Ban Bí thư, vị trí chính trị số năm trong hệ thống thứ bậc của ĐCSVN.

Tất cả những thay đổi trên là chưa có tiền lệ. Quyết định của các nhà lãnh đạo Đảng chấp nhận phá vỡ các chuẩn tắc đã được thiết lập để thực hiện những thay đổi này cho thấy rằng họ đã có những mặc cả, thỏa hiệp đáng kể với nhau để biến những giải pháp dường như là không thể trở thành hiện thực. Bên cạnh lý do thuận tiện chính trị, các xoay sở của họ để đàm phán các lựa chọn hạn chế và vượt qua những ràng buộc về hoàn cảnh và thể chế cũng là điều đáng kể. Mục tiêu cuối cùng của họ là đưa ra được một cơ cấu lãnh đạo mới được tất cả các phe nhóm chấp nhận. Trong quá trình này, việc thể chế hóa “chính trị kế nhiệm” của Đảng có thể tạm thời bị bỏ qua một bên.

Các quyết định về nhân sự “tứ trụ” và những thay đổi về thể chế được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 15 sẽ có những tác động quan trọng đối với ĐCSVN và triển vọng chính trị Việt Nam trong những năm tới. Những diễn biến tiếp sau đại hội 13 cho tới hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng sẽ là những chỉ dấu quan trọng cho thấy Đảng sẽ xử lý như thế nào những hậu quả có thể xảy ra xuất phát từ việc Đảng rời xa các chuẩn mực đã được thiết lập, đặc biệt là sự bất ổn và khó đoán định ngày càng tăng trong “chính trị kế nhiệm” cấp cao của Đảng.

Hiện tại, một câu hỏi đặt ra trước mắt là liệu các quyết định được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 15 có được thông qua bởi 1.590 đại biểu tham dự Đại hội 13 của Đảng hay không? Mặc dù khả năng một số quyết định này bị đảo ngược ở đại hội là rất thấp, chúng ta không nên hoàn toàn bác bỏ khả năng này. Rốt cuộc, các chính trị gia Việt Nam đã chứng minh họ là bậc thầy về “nghệ thuật của những điều có thể”. Vì vậy, những thay đổi vào phút chót, cho dù có xác suất thấp đến mức nào, vẫn có thể xảy ra một lần nữa.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2021/01/17/lo-dien-tu-tru-va-su-kho-doan-dinh-gia-tang-trong-chinh-tri-viet-nam/?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét