Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

4138 - Bản tin ngày 16-1-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

VnExpress dẫn lời một số chuyên gia: Biển Đông tiếp tục ‘dậy sóng’ năm 2021. GS Carl Thayer dự đoán, năm 2021, căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng ở Biển Đông, TQ sẽ tiếp tục thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý mà họ đơn phương đặt ra. Các tàu hải cảnh và dân quân biển TQ sẽ tiếp tục quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của các quốc gia Đông Nam Á giáp Biển Đông như VN và Malaysia.

Ông Gregory Poling, GĐ chương trình AMTI tại Trung tâm CSIS ở Mỹ lưu ý: “Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền mới của Mỹ có thành công hơn hai chính quyền trước đây trong việc xây dựng và duy trì một liên minh quốc tế nhằm gây sức ép lên Bắc Kinh và buộc nước này thay đổi định hướng hay không”.

Báo Thanh Niên có bài: Trạng thái đối đầu mới ở Biển Đông. TS Satoru Nagao của Viện Nghiên cứu Hudson ở Mỹ dự đoán: “Chính phủ của Tổng thống tân cử Joe Biden nhiều khả năng sẽ tiếp tục các chính sách trên của Tổng thống Trump nhằm đối phó với Trung Quốc. Bởi thực tế thì việc trừng phạt Huawei hay ZTE vốn đã được Mỹ đặt ra từ thời Tổng thống Barack Obama, chứ không phải chỉ mới được khởi xướng dưới thời ông Trump”.

Báo Tiền Phong viết: Những con tàu khổng lồ phục vụ chiến thuật ‘đâm va’ của hải quân Trung Quốc. Ông Jerry Hendrix, chuyên gia hải quân người Mỹ nhận định về các tàu hải cảnh cỡ lớn của TQ chuyên dùng để “đâm, va” vào tàu nước khác: “Nếu một tàu Mỹ gặp một trong những tàu này, thì tàu Trung Quốc có thể đẩy người Mỹ ra khỏi khu vực yêu sách lãnh thổ của họ theo đúng nghĩa đen. Việc hạ gục một tàu đối thủ mà không gây thiệt hại nặng nề cho nó có thể buộc một hạm đội nước ngoài phải rút lui mà không kích động hạm đội đó nổ súng và mạo hiểm chiến tranh toàn diện”

Tin chính trường

Sáng nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi khai mạc trọng thể Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Đây là bước chuẩn bị cuối cùng trước Đại hội 13, sự kiện sẽ quyết định tình hình chính trường VN trong 5 năm tới.

Nội dung làm việc chủ yếu: Hội nghị Trung ương 15 tập trung bàn về nhân sự khóa XIII, theo báo Pháp Luật TP HCM. Hội nghị này chỉ nhằm mục đích duy nhất là thông qua danh sách nhân sự cho đại hội 13, diễn ra chưa đầy 10 ngày tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị TƯ 15. Ảnh: VGP/ PLTP

Cuộc cạnh tranh các ghế “tứ trụ” bắt đầu được công khai: Trung ương xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII, báo Người Lao Động đưa tin. Ông Trọng đề nghị các Ủy viên TƯ “nghiên cứu kỹ” Tờ trình của Bộ Chính trị và thảo luận, góp ý để về công tác nhân sự Ban Chấp hành TƯ khóa 13, “đồng thời xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII. Đây là khâu rất quan trọng”.

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết tình hình tranh giành quyền lực sau ngày làm việc đầu tiên: “Sau kỳ họp bỏ phiếu kín yes/no của BCH Liên đoàn bóng đá hôm nay (16/1), bốn đội Đông Anh – Quảng Nam – Thanh Hóa – Nghệ An giành quá bán phiếu bầu, chính thức bước vào vòng chung kết tổ chức vào ngày 25/1 sắp tới”.

Nếu thông tin trên là đúng, danh sách tứ trụ nằm trong phương án 2, trong bài viết của tác giả Lê Văn Đoành, viết riêng cho Tiếng Dân: Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ giữ chức Tổng Bí thư; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ giữ chức Chủ tịch nước, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính sẽ là Chủ tịch QH; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ sẽ làm Thủ tướng.

BBC có bài: Hội nghị TƯ15 khai mạc và thực chất nội dung? Danh sách ứng viên tứ trụ: “Ông Nguyễn Phú Trọng (đề cử vào chức vụ Tổng Bí thư), ông Nguyễn Xuân Phúc (đề cử chức vụ Chủ tịch nước), ông Phạm Minh Chính (đề cử chức vụ Thủ tướng Chính phủ) và ông Vương Đình Huệ (đề cử chức vụ Chủ tịch Quốc hội)

Báo Người Việt viết: Giới chức CSVN nói không có sự tranh giành làm ‘trường hợp đặc biệt’. Ông Vũ Trọng Kim, ủy viên Trung Ương Đảng nói: “Công việc do đảng phân công chứ không có sự tranh giành, chọn trường hợp đặc biệt cũng thế. Mọi người đều vui vẻ, không đặt nặng vấn đề gì nên khi giới thiệu được một trường hợp đặc biệt xứng đáng thì cũng thấy vui, mà không được chọn cũng không có gì nặng nề”.

Báo Giao Thông có bài “dọn đường” dư luận về vấn đề nhân sự Đại hội XIII: “Trường hợp đặc biệt” là cần thiết. Các dư luận viên cấp cao như PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TƯ; PGS. TS. Lê Quốc Lý, cựu Phó GĐ Học viện Chính trị Quốc gia HCM; PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử đảng… đều nói chung một bài “văn mẫu”: Trường hợp đặc biệt, dù quá tuổi, vẫn cần thiết. Đó là trường hợp đã quá tuổi tới hơn chục tuổi, đầy bệnh tật, đã qua 2 nhiệm kỳ, nhưng vẫn quyết bám ghế thêm nhiệm kỳ nữa.  

***

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin“Bà Hồ Thị Kim Thoa cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã có mặt ở Việt Nam trên chuyến bay từ Paris về hôm nay 16/1. Sau khi chịu cách ly 14 ngày, sẽ đưa ra xét xử trong các vụ án liên quan tới Vũ Huy Hoàng và Đinh La Thăng”. Chưa rõ lần này an ninh thỏa thuận được với phía Pháp để dẫn độ bà Thoa về hay lại bắt cóc bà ta như vụ Trịnh Xuân Thanh.   

Tin môi trường

ANTV đưa tin: Hà Nội liên tiếp những đợt ô nhiễm không khí. Kết quả quan trắc tại 35 trạm đo trên địa bàn Hà Nội từ ngày 29/12/2020 đến ngày 5/1/2021 cho thấy, chỉ số chất lượng không khí chạm ngưỡng rất xấu. Từ ngày 14/1 tới nay, chất lượng không khí đo được ở TP Hà Nội tiếp tục ở mức xấu.

Ông Phạm Hải Dương, cán bộ Trung tâm điều hành dữ liệu kiểm soát môi trường cho biết: “Trong thời gian này ghi nhận hình thái thời tiết vô cùng bất lợi, sau khi không khí lanh tràn về, tốc độ gió xuống thấp, kết hợp lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, buổi sáng hình thàng sương mù, cản trở khuếch tán ô nhiễm… Từ nay đến tháng 3 dự đoán còn nhiều khoảng thời gian thời tiết xấu gây ô nhiễm không khí”.

Giải pháp tình thế chứ không có ý nghĩa về lâu dài: Người Hà Nội đổ xô mua máy lọc không khí vì lo sợ chất lượng không khí giảm, theo báo Người Lao Động. Tin cho biết, “tại một số cửa hàng đồ điện máy, gia dụng tại Hà Nội như: Điện máy Xanh, Media Mart, Pico, Nguyễn Kim, HC… cho thấy khách hàng bắt đầu có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm máy lọc không khí”.

Nhân viên bán hàng của các siêu thị nói trên kể, thời điểm gần đây, trong tình hình chất lượng không khí ở Hà Nội đang xuống mức độ thấp, người dân bắt đầu đi tìm kiếm các sản phẩm máy lọc không khí để chăm lo sức khỏe của gia đình. 

Báo Thanh Niên có clip: Đường Trịnh Công Sơn ở Huế ngổn ngang rác vì bị lãng quên sau bão lũ.

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nhiều trăn trở tài nguyên, môi trường. Ông Hà thừa nhận: “Nếu môi trường ô nhiễm thì thế hệ tương lai cũng không thể phát triển được. Điều này là bài toán rất khó, cần phải giải quyết bài bản từ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, từ nhận thức, thay đổi trong tư duy”Đảng và Nhà nước không chấp nhận thay đổi hệ thống chính trị thì khó có thể tay đổi “nhận thức, tư duy” của các tập đoàn “tư bản đỏ”, lợi dụng chủ trương của chính quyền, đánh đổi môi trường lấy “chỉ tiêu” kinh tế. 

Tin nước Mỹ

VOV đưa tin: Ông Trump sẽ rời thủ đô Washington trước lễ nhậm chức Tổng thống. Ông Trump lại sắp có hành động chưa từng có tiền lệ: “Ông Trump dự kiến tham dự một buổi lễ tạm biệt tại sân bay quân sự Andrew ở ngoại ô thủ đô Washington thay vì tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Chưa có Tổng thống Mỹ nào từng tham dự lễ chia tay ở sân bay này trước lễ tuyên thệ nhậm chức”.

Báo Tiền Phong có bài: Ông Trump im lặng, ‘phó tướng’ Pence chủ động chúc mừng chính quyền kế nhiệm. Phó Tổng thống Pence gửi lời chúc mừng tới người kế nhiệm, đồng thời đề nghị hỗ trợ bà Harris trước lễ nhậm chức ngày 20/1. “Đây là lần đầu tiên 2 chính trị gia trò chuyện kể từ sau cuộc tranh luận Phó Tổng thống hồi tháng 10/2020… Phó Tổng thống đang đảm nhận nhiều nhiệm vụ đáng ra là của Tổng thống Trump trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ”.

Trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin: Thêm một Bộ trưởng Mỹ từ chức sau vụ biểu tình bạo lực tại Điện Capitol. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar gửi thư từ chức trong đó có đoạn: “Tôi khẩn cầu các bạn tiếp tục lên án dứt khoát bất kỳ hình thức bạo lực nào, yêu cầu không ai có ý định làm gián đoạn các hoạt động của Ngày nhậm chức ở Washington và tiếp tục ủng hộ quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và trật tự vào ngày 20/1/2021”.

Những kẻ ủng hộ bạo loạn đều phải trả giá: Chủ tịch Hạ viện dọa truy tố các nhà lập pháp “hỗ trợ và tiếp tay” cho vụ bạo loạn đồi Capitol, theo báo Thời Đại. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố, các nghị sĩ có thể bị truy tố nếu bị phát hiện hỗ trợ cho vụ bạo loạn ở Quốc hội Mỹ vào ngày QH nhóm họp để phê duyệt kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Trước đó, dân biểu Mikie Sherrill của đảng Dân chủ cho biết, đã nhìn thấy các đồng nghiệp dẫn đầu một số nhóm đi “do thám” Capitol một ngày trước sự cố.

VnEconomy đưa tin: Mỹ ra phán quyết chưa áp thuế lên hàng hóa Việt Nam. Ngày 15/1, Chính quyền Mỹ quyết định, chưa áp thuế quan trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu từ VN. Hãng tin Reuters nhận định, “quyết định của USTR chưa áp thuế lên hàng hóa Việt Nam tạo dư địa cho bà Katherine Tai – người được Tổng thống đắc cử Joe Biden chọn cho vị trí Đại diện thương mại Mỹ – để quyết định hướng đi với Việt Nam”.

Nguồn: https://baotiengdan.com/2021/01/16/ban-tin-ngay-16-1-2021/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét