Jackhammer Nguyễn
Ngày 13-1-2021, TS Nguyễn Hữu Liêm từ Mỹ có bài viết trên BBC Việt ngữ mang tựa đề: Đại hội 13: Ông Nguyễn Phú Trọng và hình ảnh ‘người cộng sản cuối cùng’. Tôi thấy phát biểu này có chỗ đúng, nhưng cũng có chỗ không đúng cho lắm.
Đúng, ông Trọng là người cộng sản
Ý chủ chốt trong bài viết của tiến sĩ Liêm rằng ông Trọng là một người cộng sản giống như các lãnh đạo đảng trước ông, nhưng không giống những lãnh đạo cùng thời với ông, và sau này nữa, đã phai nhạt màu ý thức hệ. Vì thế, ông Trọng nhất mực phải tìm ra được những người kế tục sự nghiệp cộng sản của ông.
Còn ai trên cái dãy đất hình chữ S ấy là cộng sản hơn ông Trọng được. Này nhé ông ấy là tiến sĩ nhưng không phải là tiến sĩ triết học như ông Liêm mà là tiến sĩ xây dựng đảng, đảng nào? Đảng Cộng sản.
Rồi ông Trọng lại được đào tạo tại cái nôi của cách mạng cộng sản nữa, là nước Liên Xô, nhưng ngày nay không còn nữa.
Cả cuộc đời ông Trọng gắn liền với học thuyết cộng sản. Nhưng tôi cho rằng, luận điểm của ông Liêm về tính chất cộng sản của ông Trọng khi dựa trên phát biểu của ông về sự trường tồn của Đảng, là chưa đầy đủ.
Theo tôi, tính chất cộng sản của ông Trọng thể hiện rõ nhất, khi ông nói rằng cương lĩnh của đảng ông nằm trên hiến pháp của quốc gia. Đây mới thật là tư duy cộng sản rất quốc tế, rất đệ tam quốc tế, rất Liên Xô, nơi ông Trọng được đào tạo.
Tiến sĩ Liêm có nhắc đến thời kỳ từ ông Hồ Chí Minh đến ông Lê Duẩn, cho đó là thời kỳ cộng sản 100%, thì tôi thấy không thỏa đáng lắm. Hai ông đó và những ông bà khác cùng thời với họ chưa chắc đã nhiều sách nhiều vở cộng sản như ông Trọng đâu. Những người này xuất thân từ thời kỳ thuộc địa, và trải qua những cuộc chiến tranh, còn ông Trọng thì chỉ tụng niệm các bộ kinh cộng sản từ lúc ông mới bước vào đại học.
Khác với tiến sĩ Liêm, tôi cho là ông Trọng cộng sản hơn các ông tiền bối người Việt, may ra chỉ thua ông Mác và ông Engel thôi.
Chưa chắc đâu!
Nhưng tụng hết các bộ kinh cộng sản, mà có khả năng rất lớn là ông Trọng tụng bằng tiếng Việt, chưa chắc làm cho người tụng hiểu hết các ông tổ cộng sản muốn gì. Theo tôi thì tiến sĩ Trọng không rành về học thuyết cộng sản so với tiến sĩ Liêm tại Hoa Kỳ đâu. Tôi nói thế mà không sợ quá đáng.
Ông Trọng hay được người ta nhắc tới về những lần ông lẫy Kiều, làm thơ. Truyện Kiều được nền giáo dục cộng sản xem như kinh điển của văn học Việt Nam, trình bày tính chất hủ bại và đàn áp của “giai cấp” phong kiến. Đó là góc nhìn rất cộng sản để nâng “quan điểm giai cấp”.
Nhưng hãy nhớ những lần ông Trọng lẫy Kiều. Khổ thân ông, ông chỉ lẫy những câu tình tự rất là ủy mị, như “phận mỏng cánh chuồn” chẳng hạn, không phải là sự cứng rắn cộng sản kiểu Pavel Korchagin thời mồ ma Liên Xô mà người cộng sản cần phải có. Ông Trọng đọc Kiều như một người học văn chương, chứ không phải như một người cộng sản.
Cũng có thể sự lãng mạn của văn nhân Nguyễn Phú Trọng làm cho ông đến với chủ nghĩa cộng sản chăng? Không phải thế, con đường tụng kinh của ông Trọng là con đường duy nhất, làm gì có sự lựa chọn nào khác. Các bộ kinh là phương tiện để giúp quan văn Trọng leo lên đến ngôi cửu trùng mà thôi. Quan điểm này của tôi được trình bày trong bài “Sự lãng mạn chính trị của người Việt”, cũng trên trang Tiếng Dân này.
Tôi đồng ý với tiến sĩ Liêm rằng, ông Trọng đã cố công tìm những người cộng sản… giống như ông ta, là hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Quốc Vượng. Ông Huynh thì đột ngột ngã bệnh, không nối ngôi được. Nhưng giả sử ông ấy không bệnh, thì liệu tính cách của ông ấy như những đồn đoán, có đúng là cộng sản 100% như tiến sĩ Liêm nghĩ không?
Ông Vượng thì có quá ít thông tin để chúng ta bàn cãi. Theo tôi thì cả hai ông Huynh và Vượng có cùng khuôn với ông Trọng, là cái khuôn thuần đảng, nhưng cùng khuôn chưa chắc đã có cùng tính chất vật liệu, và thuần đảng cũng chưa chắc là cộng sản 100%.
Nhưng điều làm tôi nghi ngờ nhất về tính chất cộng sản của ông Trọng là cái cách quyền biến của ông ấy, tầm cỡ một cao thủ chính trị tuyệt đỉnh. Ông ấy hiểu rất rõ cái hệ thống bán cộng sản của ông ấy và thành công trong việc khống chế nó. Về chuyện này thì Donald Trump chỉ thuộc loại xách dép cho ông ta thôi.
Người ta hay mỉa mai ông Trọng là lú, tôi thì thấy ông rất khôn. Chiến công lừng lẫy nhất của ông ta là lưu chuyển đồng minh trong trận đánh rất lớn ở Đại hội 12, năm 2016. Ông chuyển thất bại ở hội nghị trung ương trước đó ít ngày thành chiến thắng vang dội, nốc ao ông Nguyễn Tấn Dũng, một kẻ võ biền, mị dân to mồm, mà kém mưu lược.
Điều cuối cùng về sự nghi ngờ cộng sản của ông Trọng, là ông đã từng ta thán rằng, “đến cuối thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Ông hiểu hết đấy, ông hiểu kinh tế thị trường là gì, ông hiểu tiền là gì, quyền lực là gì, ông hiểu chủ nghĩa cộng sản không có cửa.
Nỗi sợ của ông Trọng đối với các ông Phúc, Huệ chỉ đơn thuần là các ông ấy không phải là đệ tử của ông Trọng như hai ông Huynh và Vượng. Hai ông Phúc và Huệ mà lên thì các ông ấy sẽ nói chuyện với ông bằng một thứ ngôn ngữ khác, ông không hiểu nhiều như hai ông Huynh và Vượng. Thế thì còn gì là di sản của lãnh tụ nữa, còn gì là dấu ấn của văn nhân Nguyễn Phú Trọng nữa?
Theo tôi thì ông Trọng không lo chuyện Apres moi C’est deluge (sau ta là hồng thủy) ở chữ deluge (hồng thủy), mà là moi (tôi).
Nguồn: https://baotiengdan.com/2021/01/15/phiem-luan-ve-nguoi-cong-san-cuoi-cung-nguyen-phu-trong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét