Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

4109 - Liệu cái may mắn của Mỹ kéo dài được bao lâu nữa

Lê Mạnh Hùng

Nước Mỹ có thể nói là quốc gia “may mắn” nhất trong lịch sử thế giới. Bắt đầu như là một tập hợp nhỏ các căn cứ biên duyên của các nước Châu Âu, ngăn cách với chính quốc do một đại dương nhiều sóng gió, thành ra khi các thuộc địa này giành được độc lập, họ nghèo đói và chia rẽ.

Người Mỹ tự tạo cho xã hội mình việc thần tượng hóa “tự do” đến mức từ chối đeo khẩu trang trong thời gian đại dịch không những không bị coi như là một hành động ngu dốt mà còn được tôn xưng là anh hùng. (Hình minh họa: Karen Ducey/Getty Images)

Nhưng chỉ chưa đầy một thế kỷ rưỡi, 13 thuộc địa nguyên thủy này đã mở rộng xuyên qua lục địa Bắc Mỹ nối liền hai đại dương, vượt qua một cuộc nội chiến, đuổi các cường quốc khác ra khỏi Tây Bán Cầu và xây dựng nền kinh tế năng động nhất và lớn nhất thế giới. Sự nổi lên này còn tiếp tục cho đến cuối thế kỷ thứ 20 khi chiến thắng trong Chiến Tranh Lạnh đặt nước Mỹ đứng một mình trên đỉnh danh vọng.

Nhưng chỉ trong một thời gian là bao lâu?

Người Mỹ thường tự hào rằng sở dĩ họ đạt được như vậy là nhờ vào trí năng (wisdom) của tổ tiên, những bậc cha già sáng lập ra nước Mỹ, và cái ưu việt căn bản của sự phối hợp đặc biệt của Mỹ giữa chế độ dân chủ khai phóng và chủ nghĩa tư bản tự do. Thế nhưng ngoài việc bóc lột và khai thác tàn bạo những người dân bản xứ cũng như những nô lệ nhập cảng từ Phi Châu, sự may mắn cũng đóng một vai trò quan trọng không kém.

Người Mỹ may mắn là lục địa Bắc Mỹ này rất giàu tài nguyên thiên nhiên, đất đai phì nhiêu, có nhiều sông lớn thuận tiện cho việc giao thông, cũng như một khí hậu ôn hòa.

Ngay từ lúc ban đầu, nước Mỹ có lợi thế nhờ vào sự cạnh tranh và chiến tranh giữa các cường quốc cũ. Pháp ủng hộ cho cuộc cách mạng Mỹ để làm yếu đối thủ Anh. Và quốc gia mới lập này, tăng gấp đôi diện tích của mình khi Napoleon cần tiền để chi cho chiến tranh tại Châu Âu và sẵn sàng bán vùng đất Louisiana với giá rẻ mạt.

Chiến tranh tại Châu Âu cũng giúp Mỹ vượt qua được quyết định điên rồ tấn công vào Canada trong cuộc chiến 1812. Anh còn đang bận rộn chống lại Napoleon để có thể mang toàn lực chống lại các thuộc địa cũ của mình. Mỹ dần dà mạnh hơn và lôi kéo sự chú ý của thế giới khi bành trướng sang suốt chiều ngang của lục địa và cướp lấy Texas, New Mexico, Arizona và California từ Mexico. Nhưng các cường quốc Châu Âu lúc đó phải lo dòm ngó lẫn nhau thành ra hầu hết để yên cho Mỹ bành trướng.

Đến khoảng năm 1900, Anh trước sự đe dọa nổi lên của Đức cuối cùng giải hòa với Mỹ trong cuộc tranh chấp chia đôi vùng duyên hải Tây Bắc. Và chỉ đến lúc đó chủ thuyết Monroe mà Mỹ đưa ra từ những năm đầu thế kỷ thứ 19 mới trở thành hiện thực.

Quả thật, không một cường quốc nào được hưởng sự an toàn chống lại xâm lược như là Mỹ được hưởng kể từ khi lập quốc. Ngoại trừ nước Anh, tất cả các cường quốc khác trên thế giới đều đã bị xâm lược và có khi bị chiếm đóng ít nhất là một lần trong vòng hai trăm năm qua. Ngay cả Anh cũng bị ném bom tàn phá trong Chiến Tranh Thứ Hai.

Quân đội nước ngoài lần chót chiếm đóng một phần lãnh thổ Mỹ là trong cuộc chiến 1812. Và lãnh thổ Mỹ hoàn toàn không bị hề hấn gì trong cả hai cuộc đại chiến thứ nhất và thứ hai vốn tàn phá hai Châu Âu-Á trong thế kỷ thứ 20. Cái may mắn này cho phép Mỹ là cường quốc cuối cùng tham chiến, bị thiệt hại ít nhất và sau khi chiến tranh chấm dứt trở thành cường quốc chi phối.

Cố nhiên những nhà lãnh đạo Mỹ cũng làm nhiều quyết định khôn ngoan củng cố cho những may mắn trên. Họ lựa chọn một Hiến Pháp tôn trọng tự do cá nhân và khuyến khích một nền kinh tế năng động. Họ mở cửa đất nước cho di dân từ khắp các nơi tới và thành công tương đối trong việc giải quyết những đụng độ mà những làn sóng di dân tạo ra giữa những người mới và cũ. Và tuy rằng di sản đáng hổ thẹn của chế độ nô lệ vẫn còn là vết thương chảy máu của xã hội Mỹ, chiến thắng của miền Bắc trong cuộc nội chiến đã ngăn chặn một cuộc chia cắt vĩnh viễn và cho phép đất nước tái thống nhất thực hiện đầy đủ tiềm năng của nó.

Kể từ khi trở thành cường quốc, Mỹ cũng có may mắn trong những kẻ thù mà Mỹ gặp. Đức đế quốc là một đối thủ mạnh, nhưng quân đội Đức đã bị tiêu hao gần tận khi Mỹ tham chiến vào năm 1917. Nước Đức của Hitler còn mạnh hơn, nhưng Liên Xô là nước chịu đựng chính sức mạnh của Đức và đóng góp nhiều nhất trong việc đánh bại Hitler.

Tuy rằng tại Thái Bình Dương Mỹ hầu như đánh tay đôi với Nhật, nhưng kinh tế đế quốc Nhật chỉ bằng một phần năm Mỹ, và Nhật hầu như bị sa lầy tại Trung Quốc với trên một nửa quân số mắc kẹt tại đây. Tuy rằng chiến thắng tại Thái Bình Dương không phải là dễ, nhưng không ai nghi ngờ là Mỹ có thể thất bại.

Liên Xô có thể nói là đối thủ mạnh nhất mà Mỹ gặp phải, nhưng Mỹ có quá nhiều ưu thế so với Liên Xô. Kinh tế Xô Viết nhỏ hơn Mỹ nhiều và nền kinh tế chỉ huy kiểu Xô Viết là điển hình của sự phung phí và thiếu hiệu quả. Thành ra chính quyền Xô Viết phải bỏ một phần đáng kể của GDP cho quốc phòng để có thể chạy theo Mỹ. Các đồng minh của Liên Xô cũng yếu hơn và không đáng tin cậy so với đồng minh của Mỹ. Thành ra khi những cố gắng của Mikhail Gorbachev nhằm cải tổ hệ thống thất bại, Liên Xô tự động sụp đổ.

Hậu quả là một giai đoạn đơn nguyên trong đó Mỹ không gặp một đối thủ nào, và cả dân chúng lẫn các nhà chính trị đều tự thuyết phục rằng nước Mỹ đã kiếm ra công thức thần diệu để thành công trong một thế giới toàn cầu hóa. Cái tự mãn (hubris) của những năm 1990 thì có thể hiểu được sau một giai đoạn dài chỉ có thành công mà thôi.

Nhưng liệu cái may mắn đó có còn đúng trong tương lai hay không?

Có thể có, nhưng cũng có thể không.

Có bốn lý do vì sao cái may mắn của nước Mỹ sẽ không còn nữa.

Thứ nhất sự an toàn mà nước Mỹ được hưởng từ thời lập quốc có thể không còn hoàn toàn như trước nữa. Không nói đến những hỏa tiễn liên lục địa có thể đến tận trung tâm nước Mỹ từ bất cứ một nơi nào khác trên thế giới. Có những nhân tố khác có thể đe dọa nước Mỹ từ xa, mà các cuộc xâm nhập qua không gian ảo, mà cuộc tấn công mới nhất vào hệ thống an ninh ảo của chính phủ Mỹ từ một nước ngoài (nghi ngờ là Nga) cho thấy rằng không gian xa cách không còn là một trở ngại lớn nữa.

Năm 2020 cũng nhắc nhở cho ta thấy rằng sự bảo vệ mà không gian dành cho nước Mỹ cũng không cản trở được sự xâm nhập những dịch bệnh từ nơi khác. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, dịch bệnh COVID-19 đã giết một số người Mỹ nhiều hơn là số lính Mỹ tử trận trong Thế Chiến Thứ Hai hay là bằng số lính Mỹ tử trận trong Thế Chiến Thứ Nhất, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam cộng lại. Số người chết hằng ngày tại Mỹ vì dịch bệnh nay lớn hơn là tất cả số chết trong vụ khủng bố 9/11.

Lý do thứ hai là đối thủ mới của Mỹ là Trung Quốc, vốn nguy hiểm hơn là Liên Xô nhiều. Kinh tế Trung Quốc nay đứng thứ nhì sau Mỹ và có triển vọng sẽ vượt Mỹ trong vài năm tới. Trung Quốc để cho dịch bệnh lan tràn ra khắp thế giới, nhưng những biện pháp kiềm chế của Trung Quốc (với sự hợp tác của dân chúng) đã giúp cho Trung Quốc kiềm chế được nó, trong lúc Mỹ – với nhiều thời gian chuẩn bị hơn – đã để cho dịch bệnh tràn lan không kiểm soát nổi.

Tuy nhiên cũng không nên quá cường điệu thách thức của Trung Quốc đối với Mỹ. Thu nhập đầu người của Trung Quốc mới chỉ bằng một phần tư của Mỹ, thành ra thặng dư thấp hơn Mỹ một cách đáng kể. Và Trung Quốc cũng bị nhiều nhược điểm mà một chế độ chuyên chế đảng trị gặp phải.

Lý do và có lẽ là lý do quan trọng nhất là những vết thương mà người Mỹ tự tạo cho xã hội mình. Danh sách những vết thương này rất dài, từ những cố gắng cố ý gây phân rẽ đảng phái và hậu quả là một sự tắc nghẽn khiến mọi hành động cần thiết để đối phó với những vấn đề sinh tử hầu như không thể nào được đưa ra kip thời; việc thần tượng hóa “tự do” đến mức việc từ chối đeo khẩu trang trong thời gian đại dịch không những không bị coi như là một hành động ngu dốt mà còn được tôn xưng là anh hùng; sự thành công của một loạt những tên lừa đảo bịp bợm tuyên truyền cho những giả dối và hận thù; ảnh hưởng quá mức của tiền bạc trong chính trị và một hệ thống bầu cử lỗi thời càng ngày càng cho phép một thiểu số thao túng.

Lý do cuối cùng là thay đổi khí hậu. Trái đất tự nó không cần biết những kẻ sống trên nó nghĩ gì mà chỉ tuân theo những định luật của vật lý. Ta có thể phủ nhận thay đổi khí hậu nhưng quả đất không hề biết đến những phủ nhận đó. Và vị trí địa lý ưu đãi của Mỹ không giúp gì cho nước Mỹ tránh thoát khi thay đổi khí hậu xảy ra.

Tuy nhiên những lý do này không hoàn toàn quyết định nước Mỹ có còn may mắn nữa hay không. Mỹ còn giữ được nhiều ưu điểm, đặc biệt là trong khoa học và kỹ thuật so với các đối thủ tiềm tàng của mình. Tuy rằng việc trở lại giai đoạn độc tôn của những năm 1990 khó có thể xảy ra, nhưng những cải tổ thông minh có thể đi một bước dài trong việc mang lại an ninh và phồn thịnh cho nước Mỹ, cũng như cho việc lấy trở lại những giá trị căn bản của nước Mỹ.

Nếu người Mỹ muốn có một tương lai cũng may mắn như quá khứ thì cần phải có một niềm tin vào nhau và một sự sẵn sàng hợp tác với nhau vốn đã biến mất từ hai chục năm nay. Nếu người Mỹ không làm được chuyện này, cái may mắn của nước Mỹ có nhiều triển vọng cũng sẽ kết thúc. 

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/lieu-cai-may-man-cua-my-keo-dai-duoc-bao-lau-nua/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét