Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

4090 - Việt Nam ‘không có án oan sai’ như lời ông Nguyễn Hoà Bình?

Việt Nam
OTHER

Chụp lại hình ảnh,

Hội đồng thẩm phán tại phiên tòa Giám đốc thẩm trong năm 2020 đã bác kháng nghị điều tra lại vụ án tử tù Hồ Duy Hải

Suốt cả nhiệm kỳ vừa qua, ngành tòa án Việt Nam đã không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Việt Nam, được truyền thông nhà nước dẫn lời khẳng định.

"Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội," báo Thanh Tra dẫn lời ông Chánh án phát biểu tại một phiên họp đầu năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước này hôm 12/01/2021.

Cũng hôm thứ Ba, báo Tiền phong dẫn lời ông Chánh án TAND Tối cao báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay:

"Trong nhiệm kỳ, ngành cũng tổ chức xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp với việc thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc tranh tụng. Các phiên tòa đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chánh án TAND Tối cao về việc không hạn chế thời gian tranh tụng, căn cứ vào kết quả tranh tụng để đưa ra phán quyết."

'Vẫn còn không ít mà là nhiều vụ oan sai'

Việt Nam
VNA/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Các bị cáo trong vụ án tranh chấp đất đai Đồng Tâm, Hà Nội, ra tòa trong phiên sơ thẩm ngày 14/09/2020 tại Hà Nội

Từ Hà Nội, hôm 12/01, Luật sư Lê Quốc Quân bình luận với BBC News Tiếng Việt về nhận định trên của lãnh đạo ngành Tòa án của Việt Nam:

"Đó là phát biểu và quan điểm của ông ấy, còn cá nhân tôi thấy không đúng. Cụ thể tôi cho rằng vẫn có không phải là ít mà là nhiều vụ oan sai. Ngay trong thời gian gần đây, rõ ràng có vụ cặp vợ chồng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông đã được chứng minh rõ ràng là oan sai và cả chánh án và thẩm phán bị kỷ luật, báo chí chính thống có đưa tin.

"Còn vụ Hồ Duy Hải, Hàn Đức Long thiên hạ bàn đã quá nhiều, đặt rất nhiều câu hỏi về khả năng oan sai.

"Nhưng nặng nề nhất đối với tôi là vụ Đồng Tâm và các vụ án "xâm phạm an ninh quốc gia" gần đây. Theo tôi thì họ thực sự bị oan, từ trong tư tưởng đến hành vi.

"Tư tưởng của những nhóm hoạt động như Hội nhà báo Độc lập hay nhóm Hiến pháp đều chỉ là mong muốn có một Việt Nam tự do và độc lập hơn, hành vi của họ cũng nằm trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Cho nên, việc kết án những nhà hoạt động như vậy bằng một bản án hình sự, theo tôi là oan sai."

Cũng từ Hà Nội, Luật sư Ngô Anh Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư ATN, bình luận:

"Bây giờ nếu xét theo tư tưởng và cách thức mà cơ quan điều tra tại Việt Nam tiến hành công việc thì không ai có thể thoát tội được.

"Cho nên nếu nói oan sai mà thực sự theo quy định của pháp luật thì có thể là có nhiều vụ việc oan sai, nhưng nếu xác định có oan sai hay không theo cách điều tra, truy tố, xét xử trên thực tế của các cơ quan điều tra, pháp luật tại Việt Nam thì sẽ thấy như ông Chánh án nói là 'không hề có', bởi vì kiểu gì thì các bị cáo cũng phạm tội, kiểu gì họ cũng phải khai có tội.

"Như thế cách thức điều tra này đồng điệu với cách thức lý giải của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình về việc là không có án oan sai và không tự dưng ông lại phát biểu như thế, bởi vì nó có đồng điệu từ điều tra, truy tố, xét xử như vậy."

Có gì cần chú ý sửa đổi, cải thiện?

Việt Nam
VNA/AFP/GETTY

Chụp lại hình ảnh,

Các nhà báo trong Hội nhà báo Độc lập Việt Nam trong phiên xử sơ thẩm đầu năm 2021 ở TP. Hồ Chí Minh

Khi được hỏi có điều gì cần quan tâm ưu tiên, cải thiện trong công tác của ngành Tòa án ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là hoạt động xét xử án hình sự, các luật sư nêu quan điểm:

"Tôi cho rằng toà án phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Mới đây tôi vô tình gặp lại thẩm phán đã kết án tôi," Luật sư Lê Quốc Quân, người từng là một tù nhân lương tâm, nói.

"Ông ấy bảo tôi: "Cậu ngây thơ lắm, cứ ngồi đó mà mong độc lập, 38 năm trong nghề toà án, tôi chưa xử vụ nào mà không theo ý kiến của đảng. Như thế có thể thấy càng ngày đảng càng can thiệp mạnh hơn, sát hơn vào từng vụ án.

"Nhân đây, tôi muốn nói thêm rằng là lãnh đạo ai cũng muốn có thành tích và việc ông Chánh án tự nhận những mặt tốt về mình và ngành của ông trong nhiệm kỳ mà ông lãnh đạo thì cũng không có gì là lạ.

"Thế nhưng nhân dân thì luôn có nhận thức vằ thước đo của riêng mình. Dù ông Chánh án có nói tốt bao nhiêu, hay tự hoặc được tâng bốc lên bao nhiêu, thì những vụ án như : Đồng Tâm hay kết án nặng nề các nhà hoạt động mãi mãi theo tôi vẫn là những vết nhơ không thể phai mờ, rồi còn đó "ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ".

"Tôi nghĩ lịch sử sẽ phán xét rõ ràng và công bằng về ông Chánh án và những phát biểu hôm nay của ông ấy."

Còn Luật sư Ngô Anh Tuấn bình luận:

"Báo chí dẫn lời lãnh đạo ngành Tòa án Việt Nam nói rằng trong nhiệm kỳ, ngành cũng tổ chức xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp với việc thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc tranh tụng, thì tôi xin bình luận rằng trên thực tế đây là một ví dụ cho thấy là có khác biệt rất lớn với việc lãnh đạo ngành này tự nhận xét.

"Trên thực tế, có rất nhiều vấn đề, các quy định, pháp luật của nhà nước nói rằng tất cả các nội dung khách quan của vụ án phải được làm rõ tại phiên tòa, tuy nhiên, trong nhiều phiên tòa hình sự, kiểm sát viên, công tố viên không tranh luận với luật sư, khi được đề nghị và không làm rõ sự thực khách quan.

"Song kết luận thì tòa án, thẩm phán v.v... lại nghe kiểm sát viên, công tố viên, nếu đúng quy định hai bên tranh luận, tranh cãi, bên nào không phản biện ý kiến của bên kia, thì phải ghi nhận ý kiến của bên kia, nhưng mặc dù không tranh luận với ý kiến của luật sư, mà ý kiến của Viện kiểm sát lại được ghi nhận.

"Như thế thì có đúng tinh thần cải cách tư pháp và thực thi pháp quyền hay không, hay là chỉ đem luật sư ra làm một hình thức biểu diễn, bình phong để nói rằng là đã xét xử công bằng khi có sự hiện diện của luật sư?

Việt Nam
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ngành tòa án Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tích trong nhiệm kỳ hiện nay, theo Chánh án TAND tối cao

"Cho nên có thể thẩy rằng pháp luật có quy định trên giấy tờ, nhưng người ta đã không, hoặc chưa bao giờ thực thi nghiêm túc trên thực tế, trừ những vụ án mà không có việc chạy chọt, hay trừ những vụ án chính trị, trong các vụ đó phần nào tính dân chủ, khách quan có sự phát huy, nhưng gần như hầu hết trên thực tế là không có sự phát huy như luật pháp đã quy định, chưa hay không được làm rõ.

"Thành ra chúng tôi vẫn hay nói răng tòa án Việt Nam mới chỉ 'chạy loanh quanh sự thật thôi', chứ chưa thực sự cần công lý và sự thật."

Cũng hôm thứ Ba, báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tường thuật báo cáo của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định với Quốc hội Việt Nam về thành tựu và ưu điểm của ngành trong nhiệm kỳ của ông.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55637797

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét