Nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao, vừa phải là thành tựu của một nhiệm kỳ - mà thành tựu lớn nhất của nhiệm kỳ này là "chống tham nhũng" - vừa phải đảm bảo được tính đoàn kết quốc gia, mà đại diện luôn là biểu tượng.
Trong xã hội Việt Nam, vùng - miền là vấn đề muôn thuở. Nhưng câu chuyện vùng miền chưa bao giờ được khoét sâu một cách sâu sắc như trong nhiệm kỳ qua.
Trước Đại hội XII, khi mà ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn được nhiều người nghĩ như là ứng cử viên số một của chức Tổng bí thư, một luồng thông tin được tung ra một cách cố ý cho rằng, Tổng bí thư phải "là người miền Bắc có lý luận".
Thoạt nghe thì cứ tưởng thông tin này chống ông Dũng, nhưng hiệu quả của nó là ngược lại. Nó âm ỉ gieo mầm kháng cự sự mặc định chính trị ấy. Việc, cho dù không được Ban chấp hành Trung ương Khóa XI giới thiệu, nhưng ở Đại hội XII ông Dũng vẫn nhận được 41,15% phiếu đồng ý cho ông "ở lại", cho thấy không ít vai trò của vấn đề vùng - miền.
Trong 5 năm qua, các trường hợp cán bộ cao cấp bị kỷ luật, bị bắt... chủ yếu vẫn là người miền Bắc. Những lãnh đạo miền Nam dù bị dân chúng coi như tội đồ như Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải...dường như đang được nương tay, phẩm hàm vẫn không có bao nhiêu sứt mẻ.
Trước năm 1975, tuy trong chính trị chưa thể hiện sâu sắc vấn đề vùng - miền và các lãnh tụ tập kết gốc miền Nam như Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn đều chủ yếu "ngồi chơi xơi nước", nhưng Đảng vẫn chọn được "Bác Tôn", một người thợ máy làm biểu tượng hoàn hảo cho Nam Bộ (miền Trung có Phạm Văn Đồng).
Dù "thay Bác Hồ" từ 1969 cho đến 1980, "Bác Tôn" chưa bao giờ được cơ cấu vào Bộ Chính trị. Người miền Nam tạm kế tục ông cũng chỉ là một người "theo Đảng", luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Khi Nguyễn Văn Linh được chuẩn bị trở thành Tổng Bí thư chính trường bắt đầu bàn về xuất thân của ông. Ông Linh, một nhà lãnh đạo cách mạng miền Nam, khi trở thành Tổng Bí thư với "lưu ý", quê Hưng Yên, có lẽ đã giúp hình thành quan niệm, Tổng Bí thư là "người miền Bắc".
Thời ông Linh, khóa VI, miền Trung có ông Võ Chí Công, miền nam có ông Phạm Hùng (khi ông Phạm Hùng mất, dù ông Linh chọn một người miền Bắc là ông Đỗ Mười thay, 32 đoàn - chủ yếu là miền Nam - vẫn đề nghị bầu ông Kiệt).
Tam nhân: Mười - Anh - Kiệt là một phân bố tiêu biểu không chỉ về quê quán mà cả về quyền lực cho cả ba miền. Cấu trúc Bắc - Trung - Nam đứng vững cho tới khóa XII. Và chức Thủ tướng kể từ sau Đổi Mới, liên tục 4 đời liền đều là người Nam Bộ.
Cả khi bổ sung giữa nhiệm kỳ và đề cử mới lần này, các ứng cử viên miền Nam đều được chú ý. Nhưng, sau cuộc "bể dâu" vừa qua, tầm nguyên thủ trong các ủy viên Bộ Chính trị người miền Nam, quả thực là, chưa có nhiều cơ thể hiện.
Không có người làm chính trị nào, đặc biệt là người làm tổ chức, không tham vọng quyền lực. Nhưng, làm tổ chức sau một đại hội như Đại hội XII mà không đặt vấn đề hàn gắn những rạn nứt vùng miền thì công tác tổ chức ấy là không chính trị.
Chính trị là nghệ thuật của những điều có thể. Người dân Việt Nam chưa được hưởng một nền chính trị có thể làm xuất hiện người tài - người có khả năng thuyết phục dân chúng, khơi dậy và thống nhất mọi nguồn lực quốc gia; Và, mô hình quyền lực vẫn là "vua tập thể" (như cách nói của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An) - thì cơ cấu vùng - miền vẫn là một phương pháp chính trị không thể coi thường được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét