Nguyễn Thông Cào
Ảnh chụp trang báo Nhân Dân nói về thành công tốt đẹp chiến thắng bọn giặc tàu cộng xâm lược (ảnh tư liệu)
Phàm con người ta cũng như bất cứ tập thể, tổ chức, đơn vị nào, làm điều gì cũng mong được thành công, đạt như mình muốn. Trên cả sự thành công thì gọi là thành công tốt đẹp. Nói như thế để thấy rằng đó là điều bình thường trong cuộc sống, thuận lòng người, theo luật trời chứ chẳng phải trái nghịch gì.
Nhưng nhiều khi nhân định không bằng thiên định, ngoài khao khát của con người thì còn có ý trời, có những sức mạnh ngoài quy luật xã hội chi phối hành vi con người. Có cưỡng mấy cũng chỉ vá víu được phần nào tấm áo số phận thôi.
Nhưng phải công nhận người cộng sản có ý chí ghê gớm. Họ đã làm gì hoặc muốn làm gì thì làm cho bằng được, bất chấp hay dở. Họ cưỡng lại tất, coi quy luật tạo hóa chẳng là cái đinh. Có một thời họ hô khẩu hiệu “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” khi thời tiết khô hạn, hoặc “nghiêng đồng đổ nước ra sông” khi úng lụt. Họ làm thơ “Ước gì kéo núi lên cao mãi/Xáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn” (nhớ láng máng thơ Nguyễn Thành Vân, hoặc Phan Minh Đạo)... khi đánh nhau. Trời còn chả mùi mẽ gì, vậy thì người chỉ là con muỗi, con tép với họ.
Và có nhẽ, tự tin như thế, đỉnh cao trí tuệ như thế, người cộng sản luôn cho rằng sự nghiệp của họ chỉ có “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, đảng của họ “là người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Trong từ điển của họ, chỉ có từ “thắng lợi, thành công” chứ không bao giờ có từ “thất bại”. Nếu chẳng may thất bại thì lỗi không thuộc về họ, mà do lực lượng khác. Chính vì vậy, dân gian tổng kết một cách mỉa mai, đùa cợt rằng “Mất mùa thì tại thiên tai/Được mùa bởi tại thiên tài đảng ta”.
Quá tự tin vào thắng lợi, người cộng sản không chấp nhận thất bại, dù gánh chịu thất bại. Vì thế phải giấu, phải lờ đi, phải ỉm thật lâu, sau này để thời gian tự phát lộ, bạch hóa dần.
Chúng ta đều biết, cái giá phải trả trong chiến tranh rất lớn, nhất là về sinh mạng con người. Giờ đây thì hầu như ai cũng biết để giành được đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã hy sinh cả vạn người lính. Để giữ thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa, bộ đội ta mất hơn 10 nghìn người, hầu hết là lính trẻ miền Bắc tòng quân năm 1971, trong đó có rất nhiều sinh viên, những tinh hoa của đất nước lúc bấy giờ lên đường đợt 6971 (ngày 6 tháng 9 năm 71), bình quân mỗi ngày mất 1 đại đội. Trước đó, chiến dịch Mậu Thân 1968 ta cũng bị thiệt hại nặng nề, có những trung đoàn bị xóa sổ. Hồi mặt trận 779 bên Campuchia, suốt hơn chục năm sa lầy, bộ đội ta tổn thất nặng nề, hy sinh hơn 5 vạn binh sĩ. Sau 1975, do quá tự mãn, duy ý chí, đường lối kinh tế sai lầm, họ đẩy cuộc sống đến bờ vực thẳm. Cuộc chiến tranh chống quân Trung cộng xâm lược các tỉnh phía bắc (mà nhà nước tuyên truyền gọi né đi, tránh nhắc tới quân xâm lược, chỉ gọi là chiến tranh biên giới phía bắc) thật ra không phải kết thúc tháng 3 năm 1979 mà kéo dài mãi tới năm 1989, những 10 năm, thiệt hại vào những năm sau cực lớn, nhất là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang)...
Tuy nhiên, hầu như tất cả thất bại, sai lầm, yếu kém đều được che giấu, lịch sử chính thống không ghi chép, sách giáo khoa không nhắc tới, loa đài báo chí lại càng không, bởi nếu làm thế thì trái nguyên tắc mà họ đặt ra rằng tất cả mọi thứ phải “thành công tốt đẹp”. Mãi sau này, người ta mới phát giác nhiều thứ qua sự trôi chảy xói mòn của dòng thời gian, của cuộc sống, chẳng hạn trận nào cũng thắng mà sao nghĩa trang nhiều thế, hài cốt bộ đội quy tập mãi không hết. Sao nội bộ đoàn kết vững mạnh mà nhiều cán bộ bị xử lý, tù đày. Sao đỉnh cao trí tuệ mà suốt mấy chục năm trời cứ xóa đói giảm nghèo, lật đật chạy theo thế giới, thậm chí còn thua cả những ông em dại Lào, Campuchia thuở nào...
Cứ như văn mẫu ám vào cuộc tồn tại của họ, bất cứ đại hội, hội nghị, phong trào, chiến dịch... nào cũng phải “thành công tốt đẹp”. Khi mở màn thì mong muốn thành công là sự đương nhiên, nhưng kết thúc thất bại vẫn cứ “thành công tốt đẹp”. Báo chí truyền thông vào cuộc ca ngợi, tô vẽ, nói riết dân cũng phải tin, chỉ thấy có thành công.
Không cuốn sử chính thống nào ghi lại, nhưng năm 1972 tôi nhập học vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội thì được nghe kể, năm 1971 có đợt nghĩa vụ quân sự tầm cỡ cuộc tổng động viên với tất cả mọi trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Rất nhiều trường đại học ở miền Bắc vét sinh viên cho đợt này để chuẩn bị chiến dịch lớn sắp mở. Hàng vạn sinh viên, kể cả năm thứ 3, thứ 4 lên đường (tôi chưa rõ có phải đợt 6971 không bởi năm ấy có 2 đợt bắt lính). Trường đại học Tổng hợp Hà Nội tập trung tiễn sinh viên ở khu Thượng Đình, với gần nghìn người lính trẻ. Thầy hiệu trưởng Ngụy Như Kontum dặn dò, động viên, nói lời tiễn biệt. Khi thầy vừa nói xong, cây cờ đại sừng sững giữa sân trường tự dưng đổ vật xuống. Đợt ấy vào Quảng Trị và sâu chiến trường miền Nam, rất nhiều sinh viên không về, trong đó có anh Nguyễn Văn Thạc khoa Toán, "mãi mãi tuổi hai mươi". Thấy kể rằng thầy Kontum rất buồn. Một người từng trải, hiểu đời như thầy dĩ nhiên biết rằng “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” nhưng tận mắt chúng kiến cái điềm gở đó thì làm sao không buồn được. Chả biết lịch sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội có ghi lại điều này không, hay là lại kết thúc bằng công thức “thành công tốt đẹp”. (còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét