Trang Nguyên
Ngoài Hội Khuyến học Nam Kỳ – SEMC (Société d’Enseignement Mutuel de la Cochinchine), được thành lập từ năm 1908, Hội Đức Trí Thể Dục Nam Kỳ – SAMIPIC (Société d’Amélioration Morale Intellectuelle et Physique des Indigènes Cochinchine) được thành lập năm 1926, tập họp giới trí thức sinh hoạt dưới tôn chỉ phụng sự xã hội, phát triển văn hoá, nghệ thuật, thể thao nhằm giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học.
Trụ sở SAMIPIC hồi thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr)
Hồi còn đi học, nghe thầy giảng về trường phái thơ cũ thơ mới, tôi vẫn thích lối làm thơ theo vần điệu lục bát, thất ngôn bát cú. Tôi thấy thơ cũ dễ thuộc hơn thơ mới, nhưng chẳng nghe thấy nhà trí thức nào lên diễn đàn phê bình thể thơ mới, đọc một hai lần không nhớ. Không nhớ bởi vì các niêm luật bằng trắc của thơ cũ đã in sâu vào trí óc học sinh.
Và, nhân đọc được tư liệu cũ về chuyện nhà văn Bình Nguyên Lộc viết trong bài “Suýt oánh (đánh) nhau vì thơ” về chuyện xảy ra tại SAMIPIC hồi tháng 11 năm 1935, mới hay rằng thơ mới đã manh nha từ xa xưa rồi. Lúc ấy nữ sĩ Manh Manh (tên thật là Nguyễn Thị Kiêm) lên diễn đàn tranh luận rất gay cấn với ông giáo Nguyễn Văn Hanh. Ông giáo Hanh là một nhà hùng biện đại tài, bênh vực thơ cũ. Còn nữ sĩ Manh Manh cũng không thua gì, đấu khẩu vang trời. Tuy vậy, nữ thi sĩ lép vế hơn và càng lép vế vì đa số ủng hộ ông Hanh.
Ông Bình Nguyên Lộc viết thêm: “Ông ấy lại đùa cợt có duyên, một cái duyên tục tĩu, chẳng hạn nói xong một đoạn, ông hỏi cô Kiêm: “Cô chịu xìu chưa? Nếu cô không xìu thì tôi xìu trước vậy”. Khán giả rộ lên cười, rất lấy làm thưởng thức lối cợt nhã ấy, và quả cô Kiêm đã phải xìu.”. Mặc dù Tự Lực Văn Ðoàn phái kịch sĩ Ðoàn Phú Tứ và họa sĩ Nguyễn Ðỗ Cung vào ủng hộ nữ sĩ Manh Manh nhưng phe ủng hộ thơ mới đã kém thế trong lần tranh luận này.
Tuy nữ sĩ Manh Manh thua trong cuộc tranh luận nói trên nhưng thơ mới lại thắng thế và phát triển mạnh mẽ cho đến bây giờ. Và khi nói đến cuộc tranh luận thơ cũ thơ mới ở SAMIPIC, người ta lại nhắc tới nữ sĩ Manh Manh nhiều hơn là nhắc đến ông giáo Hanh. Ðiều này cho thấy thuở đó, thơ mới đã có phe ủng hộ nhiệt thành.
Di ảnh nhà Bác vật Lưu Văn Lang người chủ xướng lập ra SAMIPIC (Ảnh: Internet)
Nói đến SAMIPIC, tôi lại nhớ đến nhà bác vật Lưu Văn Lang – người kỹ sư đầu tiên của Việt Nam và toàn cõi Ðông Dương và cũng là người chủ xướng thành lập Hội Trí Ðức Thể Dục Nam Kỳ. Tôi nhớ cái đồng hồ Thái Dương xây bằng gạch tại thành phố Bạc Liêu, phía trước dinh Tỉnh trưởng. Ðồng hồ Thái Dương thuở xưa đối với người dân quê là một phát minh kỳ diệu. Nhưng thời cuộc đổi thay, đồng hồ gạch cũng chỉ là đống gạch đầy rêu phong, vô hồn bên đám cỏ dại. Có lẽ lúc đó, cuộc sống còn quá nhiều khó khăn, người ta không chú ý đến những giá trị văn hoá của người xưa để lại. May thay, ngày nay nó được bảo tồn để thế hệ sau này biết đến.
Tài liệu về SAMIPIC của tác giả Dương Thanh Bình ghi nhận: Lúc đầu hội tọa lạc tại số 76, đường La Grandière (tức đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng). Năm 1932 dời về trụ sở mới, còn gọi là Hội Quán hay Công Quán SAMIPIC ở đường Galliéni, tức đại lộ Trần Hưng Ðạo. Tờ Phụ Nữ Tân Văn số 176, ngày 10/11/1932, đăng tin và ảnh chụp thật lớn, nguyên văn như sau: “Ðây là nhà “Công Quán” của người Việt Nam. Mặt tiền của tòa nhà số 98 đường Galliéni, nằm giữa Cholon – Saigon, mà hội Nam Kỳ Ðức Trí Thể Dục SAMIPIC mới đấu giá mua xong để làm nhà “công quán” cho đồng bào ta ở đây, như kiểu nhà Cercle của Tây ở vườn ông Thượng, hay nhà hội Khai Trí Tiến Ðức ở Bắc”.
Trong mục “Thời Sự Ðoản Bình” của tờ Phụ Nữ Tân Văn số 176 cho biết, trước đó người Việt chưa có nơi nào đủ tầm vóc để làm một công quán lý tưởng, kể cả nhà hội quán của Hội Nam Kỳ Khuyến Học hay của Hội Thương Mãi Kỹ Nghệ. Bài thời sự ca ngợi sự khang trang rộng rãi của tòa nhà, cho rằng rất xứng đáng trở thành Công Quán để người Việt có thể hội họp, thuyết trình và tranh luận những vấn đề về chính trị, văn hóa, nghệ thuật và thể thao. Sau đó tờ Phụ Nữ Tân Văn số 178, ngày 24 Tháng Mười Một 1932, mục Tin Trong Nước cho biết ngôi nhà trị giá hơn 300,000 đồng (tiền lúc bấy giờ) là villa Nhân Giang của ông Lê Văn Trước, SAMIPIC mua đấu giá chỉ có 38,000 đồng.
Đồng hồ Thái Dương do Bác vật Lưu Văn Lang xây (Ảnh: Internet)
Sau này, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển cho biết, ngôi nhà này đã được dựng trên nền cũ của một ngôi chùa Miên cổ. Năm 1941, quân đội Nhật chiếm ở, rồi chuyển qua quân Pháp vào cuối 1945. Sau 1954, trở thành trụ sở cơ quan cố vấn quân sự Mỹ. Cuối thập niên 1960, tòa nhà lại trở thành bản doanh của quân đội Nam Hàn và cho đến ngày nay nó vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cũ.
Từ 1945, Hội SAMIPIC dời trụ sở về một căn phố ở ngã tư Nguyễn Trãi – Phát Diệm (nay là đường Tôn Thất Tùng). Tuy cơ sở thay đổi nhưng SAMIPIC vẫn tiếp tục hoạt động theo đúng đường lối của các sáng lập viên đã đề ra. Tài liệu mà chúng tôi tìm được cho thấy đến năm 1968 SAMIPIC vẫn còn hoạt động.
SAMIPIC chú trọng đến việc góp phần đào tạo nhân tài và nâng cao dân trí cho Việt Nam. Hội đã có những hoạt động rất thiết thực và hữu hiệu như cấp học bổng cho học sinh hiếu học. Tháng 2 năm 1929, tờ báo Phụ Nữ Tân Văn đề xuất việc tặng học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học sang Pháp du học và kêu gọi các hội đoàn và các nhà hảo tâm cùng chung sức. Theo tờ Phụ Nữ Tân Văn số 146, ra ngày 18 tháng 8 năm 1932, Nguyễn Hữu Bôn và Lê Văn Ðệ là những học sinh đầu tiên nhận học bổng SAMIPIC. Bài báo viết: “Hai người rất thông minh, có tài lỗi lạc đến nỗi ông giáo sư P. Laurens, là một nhà mỹ thuật rất có danh tiếng bên Pháp đã đem hai cậu học sanh da vàng ta về xưởng riêng của ông mà dạy bảo một cách ân cần lắm”. Sau đó hoạ sĩ Lê Văn Ðệ được nhận thêm một học bổng đi tu nghiệp tại Ý và Hy Lạp. Về nước ông trở thành giám đốc đầu tiên của trường Quốc Gia Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh, sau khi trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương đóng cửa năm 1945.
Trụ sở SAMIPIC hay “Nhà Công Quán” trên đường Gallieni (Trần Hưng Đạo) (Nguồn: Internet)
Giáo Sư Trần Văn Khê cũng được học bổng đặc biệt của SAMIPIC ra Hà Nội học ngành Y Khoa ở Ðại Học Ðông Dương và sau đó sang Pháp học. Năm 1958 ông được Ðại học Sorbonne cấp bằng Tiến Sĩ Văn Khoa (môn nhạc học) và trở thành nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam và Châu Á. Ông còn là hội viên danh dự Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO. Ông mất ngày 24/6/2015, thọ 93 tuổi.
Cô Nguyễn Thị Châu, con gái lớn của ông bà Nguyễn Ðình Trị, một nữ sinh xuất sắc của trường Áo Tím École des Jeunes Filles Indigènes (trường Gia Long, nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Trong gia đình cô Châu được gọi là Cô Nhất, là chị cả của nữ sĩ Manh Manh (được gọi là Cô Nhì). Cô Châu được học bổng SAMIPIC sang Pháp và đạt hai bằng Cử Nhân: Sử Ðịa và Văn Chương. Cô về nước năm 1936, giảng dạy tại trường Collège Gia Long. Ðến năm 1950 được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng trường Nữ Trung Học Gia Long. Năm 1951 Cô giữ chức vụ Tổng Thư ký đầu tiên của UNESCO Việt Nam.
Sự đóng góp của Tiểu ban Mỹ thuật Âm nhạc của SAMIPIC góp phần làm thay đổi nền âm nhạc mới, tức nhạc tiền chiến sau này. Nhạc sĩ Lê Thương đã viết: “Quả thật lúc đó, tân nhạc chưa gây được mảy may ảnh hưởng trong quần chúng miền Nam đang say mê cải lương vào thời đại thịnh và trong rất nhiều gia đình quý phái, nhạc Âu Tây là món tiêu khiển thường nhật nhưng âm nhạc mới là cái gì, họ chưa thèm lưu ý nếu không là khinh miệt”. Bên cạnh đó thể dục cũng đạt được nhiều thành tựu. Một câu lạc bộ về võ thuật được thành lập ở Hội Quán SAMIPIC. Võ sư Ðặng Thông Phong là người Việt Nam duy nhất được phong Ðệ Thất Ðẳng Ðai Ðen võ phái Aikido.
SAMIPIC đã góp phần xây dựng một nền văn hóa, nghệ thuật cho Miền Nam Việt Nam. Mặc dù được thành lập trong một xã hội thuộc địa, công lao lớn nhất của SAMIPIC là góp phần đào tạo một thành phần trí thức, những nhân tài cho Miền Nam mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn hãnh diện.
Nguồn: https://baotreonline.com/van-hoc/viet-nam-ngay-cu/samipic-noi-dao-tao-nhan-tai.baotre