Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

6120 - Đài Loan là nơi nguy hiểm nhất thế giới hiện nay

Lý Thái Hùng




Tạp chí The Economist của Anh Quốc số ra tuần lễ đầu tháng Năm, 2021 có một loạt bài liên quan đến tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan, trong đó bài quan điểm của The Economist đã khẳng định rằng “Đài Loan là nơi nguy hiểm nhất trên hành tinh” hiện nay. Nghĩa là cuộc chiến xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bùng nổ tại eo biển Đài Loan bất cứ lúc nào.

Dẫn nhập bằng một phát biểu của nhà văn Mỹ, F. Scott Fitzgerald, cho rằng: “Để kiểm tra trí thông minh hàng đầu của một người, là xem khả năng ghi nhớ hai ý tưởng trái ngược nhau trong đầu cùng một lúc mà vẫn giữ được khả năng hành động,” nhằm mô tả tình trạng đối phó của Hoa Kỳ về vấn đề eo biển Đài Loan trong thời gian qua.

Bài viết cho rằng trong 7 thập niên qua, Hoa Kỳ đã áp dụng “mơ hồ chiến lược” để giữ hòa bình giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh cho vấn đề Đài Loan theo chính sách “một Trung Quốc.” Tuy nhiên, ngày nay, “mơ hồ chiến lược” đang bị phá vỡ, Hoa Kỳ đang lo sợ là không còn có thể ngăn cản Trung Quốc chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Đô Đốc Hải Quân Philip Davidson, Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương (vừa mới về hưu cuối tháng Tư, 2021) đã bày tỏ sự lo lắng rằng Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan vào năm 2027, trong buổi điều trần Quốc Hội vào tháng Ba, 2021.

Đài Loan đang là đấu trường cho Mỹ và Trung Quốc đọ sức. Mặc dù Hoa Kỳ không bị ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước nào để bảo vệ Đài Loan, nhưng cuộc tấn công của Trung Quốc sẽ là một phép thử đối với sức mạnh quân sự cũng như quyết tâm về ngoại giao và chính trị của Hoa Kỳ. Nếu Hạm Đội Số 7 không thành công, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc thống trị Á Châu và đương nhiên các đồng minh của Mỹ trên thế giới sẽ thấy rằng nền hòa bình dưới dù của Hoa Kỳ (Pax Ameticana) cũng sẽ sụp đổ.

The Economist nêu hai lý do khiến Trung Quốc tấn công Đài Loan:

Thứ nhất, Bắc Kinh luôn luôn khẳng định và coi việc thống nhất Đài Loan là một nhiệm vụ – thậm chí có thể bằng vũ lực. Trong 25 năm qua, Bắc Kinh đã dồn nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân mà ưu tiên là kiểm soát eo biển Đài Loan. Trung Quốc đã hạ thủy 90 tàu chiến lớn nhỏ và tàu ngầm trong 5 năm vừa qua, nhiều gấp 4 đến 5 lần so với Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc đã chế tạo hơn 100 máy bay chiến đấu mỗi năm. Bắc Kinh đang khai triển vũ khí không gian và tên lửa nhắm vào Đài Loan, các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản, Nam Hàn và Guam. Một số nhà phân tích Hoa Kỳ cho rằng, sớm hay muộn, ưu thế về quân sự cũng sẽ khiến Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan, không phải là bất đắc dĩ, mà là vì họ có khả năng để làm điều đó. Trung Quốc tự thuyết phục mình rằng Hoa Thịnh Đốn muốn cuộc khủng hoảng Đài Loan nóng lên, và thậm chí có thể muốn phát động một cuộc chiến để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ hai, Tập Cận Bình hiện không có dấu hiệu gì chuẩn bị người kế thừa và đang muốn lãnh đạo Trung Quốc trọn đời. Trong 100 năm thành lập, đảng Cộng Sản Trung Quốc đang ở vào thời kỳ mạnh nhất cả về quân sự lẫn chính trị và kinh tế. Tập Cận Bình muốn được tôn vinh không chỉ là người đưa Trung Quốc lên vị trí số một thế giới, mà còn để lại cho hậu thế một di sản quan trọng của đảng vạch ra từ năm 1949 khi kiểm soát Hoa Lục là thống nhất Đài Loan. Quan sát những gì mà họ Tập mạo hiểm để thu tóm quyền lực từ Tân Cương, Biển Đông, Biển Hoa Đông cho đến Hong Kong trong các năm qua, cho thấy việc Tập Cận Bình tấn công Đài Loan chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều thấy là nếu chiến tranh xảy ra sẽ là một thảm họa to lớn, không chỉ đổ máu ở Đài Loan mà có nguy cơ leo thang giữa hai cường quốc hạt nhân. Đồng thời cuộc tấn công sẽ phá đổ nền kinh tế Đài Loan, đặc biệt là phá hủy trung tâm ngành công nghệ bán dẫn của TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới – chiếm 84% thị phần chip toàn cầu. Nếu TSMC bị tê liệt thì ngành công nghiệp điện tử toàn cầu cũng sẽ bị lao đao, cái giá phải trả sẽ rất lớn. Bởi vì kinh nghiệm và công nghệ của TSMC có thể nói là dẫn trước các đối thủ của mình đến 10 năm, nên Mỹ và cả Trung Quốc sẽ mất nhiều năm mới có thể bắt kịp.

Theo The Economist, cần cho Trung Quốc nhìn thấy hệ quả của một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan sẽ là một “canh bạc quá lớn” đối với họ, vì thế Hoa Kỳ và Đài Loan phải lên kế hoạch trước. Sẽ mất nhiều năm để thiết lập lại trạng thái cân bằng trên eo biển Đài Loan, cụ thể là Đài Loan phải bắt đầu giảm đầu tư vào các hệ thống vũ khí lớn và đắt tiền, dễ bị tên lửa của Trung Quốc tấn công, nhưng sẽ tập trung vào chiến thuật và công nghệ có thể đánh bại cuộc xâm lược.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cần có những vũ khí răn đe để ngăn chặn Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đổ bộ, đồng thời chuẩn bị cho các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc sẵn sàng vào cuộc, và cho Bắc Kinh thấy các kế hoạch tác chiến của Mỹ là đáng tin cậy. Theo The Econmist thì “đây sẽ là sự cân bằng rất nhiêu khê, bởi sự răn đe thường biểu hiện một cách rõ ràng về hành động trả đũa. Nhưng Hoa Kỳ vào lúc này cần có sự giao tiếp tế nhị với Trung Quốc để lãnh đạo Bắc Kinh phải từ bỏ ý định thay đổi hiện trạng Đài Loan bằng vũ lực, đồng thời nhận được sự cam kết từ phía Mỹ rằng Hoa Thịnh Đốn không ủng hộ việc Đài Loan tuyên bố độc lập.”

Bài báo của The Economist đã tạo sự chú ý rất lớn trong dư luận Đài Loan. Bà Thái Anh Văn, Tổng Thống Đài Loan, đã đăng trên trang Facebook cá nhân một stt với nhận định rằng bài viết của The Econimist đã cho thấy sự bành trướng quân sự và đe dọa đối với eo biển Đài Loan của Trung Quốc, và thế giới ngày càng nghi ngờ sâu sắc về tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Bắc Kinh. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh rằng: “Tôi muốn nói với mọi người rằng, mặc dù mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan vẫn tồn tại, nhưng chính phủ hoàn toàn có khả năng kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra và thiết lập hàng rào an ninh cho Đài Loan.”

Ngoài ra, bà Thái Anh Văn đã khẳng định một quyết tâm đáng ca ngợi: “Đài Loan ở tuyến đầu dân chủ. Đối mặt với thách thức bành trướng của chủ nghĩa chuyên quyền, chỉ cần người dân Đài Loan đoàn kết, thận trọng phán đoán tình hình và tuân thủ các giá trị của tự do dân chủ, chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua thử thách. Tôi cũng mong các nước quan tâm đến dân chủ và tự do trên thế giới đã nhìn thấy những nguy cơ tiềm ẩn, càng phải cùng nhau hợp tác duy trì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.”

Trong khi đó, Cố Vấn AnNinh Quốc Gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã phát biểu tại diễn đàn trực tuyến do Viện Nghiên Cứu Aspen tổ chức hôm 30 tháng Tư, 2021 tại New York rằng: Lập trường của Hoa Kỳ là tôn trọng chính sách “một Trung Quốc,” nhưng sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ để giúp Đài Loan tự vệ nhằm chống lại những ý đồ muốn thay đổi hiện trạng.

Ông Jake Sullivan cho rằng sự kiện Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự lên eo biển Đài Loan trong thời gian qua là một “đặc điểm trọng tâm” trong chính sách đối ngoại hiện nay của Tập Cận Bình, vì họ Tập coi Đài Loan là “quan trọng đối với uy tín và sự ổn định của Trung Quốc trong dài hạn.” Vì thế, theo ông Jake Sullivan thì chính quyền Biden phải tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan (1979) để vừa hỗ trợ Đài Loan tự vệ, vừa nâng cao mối quan tâm của họ với các nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cũng như tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế và giáo dục giữa Hoa Kỳ với người dân Đài Loan. Cho đến nay, phía Trung Quốc hoàn toàn im lặng trước loạt bài về eo biển Đài Loan của The Economist.

Tóm lại, loạt bài về eo biển Đài Loan của The Economist được các chuyên gia nghiên cứu công phu dẫn đến kết luận: “Đài Loan là nơi nguy hiểm nhất thế giới hiện nay,” cho thấy rằng Trung Quốc sẵn sàng chọn thế đối đầu với Hoa Kỳ và việc tấn công Đài Loan là một cuộc “thử sức” của Bắc Kinh trong tham vọng thống trị Á Châu trong thời gian tới.


https://viettan.org/dai-loan-la-noi-nguy-hiem-nhat-the-gioi-hien-nay/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét