Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

6099 - Số phận của Alibaba là cảnh báo từ Đảng CS cho các đại gia công nghệ Trung Quốc?

  • Karishma Vaswani
  • Phóng viên kinh doanh châu Á BBC
Jack Ma vào năm ngoái lên tiếng về việc loại bỏ lĩnh vực ngân hàng truyền thống

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Jack Ma vào năm ngoái lên tiếng về việc loại bỏ lĩnh vực ngân hàng truyền thống

Tuần qua quả là một tuần đầy khó khăn đối với các công ty công nghệ cao ở Trung Quốc. Cuối tuần qua, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã bị cơ quan quản lý Trung Quốc phạt 2,8 tỷ USD vì cho rằng họ đã lạm dụng vị thế thị trường trong nhiều năm.

Rồi vào hôm thứ Hai, công ty thanh toán điện tử Ant Group của Trung Quốc - một chi nhánh của Alibaba - đã công bố một kế hoạch tái cơ cấu mạnh mẽ.

Các cơ quan quản lý đã buộc họ phải hoạt động giống một ngân hàng hơn là một công ty công nghệ.

Và hôm thứ Ba, 34 công ty, những hãng có máu mặt trong thế giới công nghệ Trung Quốc, đã bị giới chức triệu tập và cảnh báo: Hãy coi Alibaba là một bài học cho quý vị.

Họ đã có một tháng để "tự suy ngẫm" và tuân thủ các quy tắc mới của chính quyền Trung Quốc dành cho các công ty nền tảng.

Alibaba là ông lớn của ngành công nghệ Trung Quốc. Công ty này thống lĩnh thị trường tại đây với hơn 800 triệu người dùng chỉ tính riêng ở Trung Quốc.

Đó là lý do tại sao đó là một lời cảnh tỉnh cho những công ty khác trong lĩnh vực công nghệ khi Alibaba bị phạt và bị kiểm điểm chính thức.

Cuộc điều tra nhằm vào Alibaba xác định rằng công ty này đã lạm dụng vị thế thị trường của mình trong nhiều năm bằng cách hạn chế các doanh nhân làm ăn hoặc Alibaba đã khuếch trương các chương trình khuyến mãi trên các nền tảng của đối thủ. Khoản tiền phạt 2,8 tỷ USD chiếm khoảng 4% doanh thu nội địa năm 2019 của công ty này.

Những người làm việc trong ngành nói với tôi rằng"mọi người đều thấy căng thẳng". Các công ty lớn đang lo lắng rằng họ sẽ là mục tiêu tiếp theo.

Các công ty như Tencent, JD.com, Meituan, Bytedance và Pinduoduo đều đang xem kinh nghiệm của Alibaba và cố gắng tránh vượt qua bất kỳ ranh giới đỏ nào do Bắc Kinh đặt ra.

Động thái của nhà chức trách Trung Quốc là chỉ dấu cho thấy dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, không có gì có thể lớn hơn hoặc quyền lực hơn Đảng Cộng sản

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Động thái của nhà chức trách Trung Quốc là chỉ dấu cho thấy dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, không có gì có thể lớn hơn hoặc quyền lực hơn Đảng Cộng sản

Không ai có thể mạnh hơn Đảng

Nhìn bề ngoài thì khoản phạt của Alibaba là về việc tăng quy định trong lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của Trung Quốc, và đối với nhiều người, đó là một dấu hiệu tốt cho thấy thị trường đã trưởng thành.

“Nếu bạn xem xét về luật lệ, các nhà quản lý Trung Quốc đang cố gắng hướng tới tương lai và suy tính sớm hơn trong nỗ lực điều chỉnh một ngành công nghiệp đang phát triển quá nhanh,” Rui Ma, một nhà phân tích công nghệ Trung Quốc và đồng chủ trì podcast Tech Buzz China cho biết.

"Họ đang đưa vào việc sử dụng các thuật toán, chứ không chỉ thị phần. Họ đang cố gắng hiểu nền kinh tế nền tảng (platform) và cố gắng điều chỉnh cho ăn nhập với những gì các nền kinh tế phát triển hơn đang làm."

Nhưng các động thái này cũng được coi là có yếu tố chính trị.

Kể như đây là chỉ dấu cho thấy dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, không có gì có thể lớn hơn hoặc quyền lực hơn Đảng Cộng sản trong đời sống của dân thường Trung Quốc.

Các công ty này đã tạo ra một thế giới ảo thay thế cho người Trung Quốc và nắm giữ rất lớn cuộc sống của họ. Bạn không thể trải qua một ngày mà không truy cập một trong những ứng dụng này ở Trung Quốc.

Nhưng cũng chính ảnh hưởng đó đối với cuộc sống của người dân Trung Quốc kể không khác gì việc các công ty này đang cạnh tranh trực tiếp với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các nguồn tin trong giới tài chính Trung Quốc nói với tôi rằng họ nghi điều này đã "khiến nhiều lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh khó chịu", tức là khi bố già của ngành công nghệ Trung Quốc Jack Ma lên tiếng về việc loại bỏ lĩnh vực ngân hàng truyền thống vào năm ngoái.

Bài phát biểu đó khiến truyền thông nhà nước chỉ trích các doanh nghiệp Alibaba và Ant Group của ông Jack Ma. Sau đó, ông Jack Ma và người của ông đã bị các cơ quan quản lý triệu tập và việc niêm yết cổ phiếu Ant Group được nhiều người mong đợi của đã bị đình chỉ.

Các nhà quan sát cho tôi biết những gì ông Jack Ma nói tại hội nghị đó đã khiến ông phải trả giá đắt.

Rõ ràng là cả Ant và Alibaba đều muốn khép lại lùm xùm sau những sự kiện này.

Trong một cuộc điện đàm với với nhà đầu tư vào tuần này, phó chủ tịch điều hành của Alibaba, Joe Tsai cho biết: "Từ quan điểm quản lý…. Trong vụ việc của chúng ta, chúng ta đã trải qua quá trình rà soát kỹ lưỡng và chúng tôi rất vui khi giải quyết được xong vấn đề."

Ông nói thêm:

"Tôi nghĩ trong tương lai, xu hướng trên toàn cầu là các nhà quản lý sẽ quan tâm hơn đến một số lĩnh vực mà bạn có thể có sự cạnh tranh không lành mạnh."

Phó chủ tịch điều hành của Alibaba, Joe Tsai, nói “Chúng ta rất vui khi giải quyết được xong vấn đề".

NGUỒN HÌNH ẢNH,

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Phó chủ tịch điều hành của Alibaba, Joe Tsai, nói “Chúng ta rất vui khi giải quyết được xong vấn đề".

Những chuyển biến trong mảng công nghệ Trung Quốc

Các công ty công nghệ Trung Quốc thành lập và phát triển trong một môi trường có rất ít hoặc không hề có quy định hơi “hoang dã” với triết lý là “cứ xây rồi đâu sẽ có đó".

Và từ lâu chính phủ đã tích cực khuyến khích điều đó.

"Trung Quốc đã có các kế hoạch qui mô quốc gia để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới," Angela Zhang, phó giáo sư tại Đại học Hong Kong nói với tôi.

Bà là một chuyên gia về luật Trung Quốc, tác giả của một cuốn sách ra gần đây có tựa đề Chinese Antitrust Exceptionalism (Tạm dịch: Tính ngoại lệ của phương thức chống độc quyền của Trung Quốc).

"Trước đây, các cơ quan quản lý đã khá lỏng hơn trong cách tiếp cận của họ. Họ đã sử dụng các công cụ quản lý nhẹ tay hơn đối với các công ty công nghệ."

Nhưng các quy định đó đang thay đổi khi Trung Quốc chuyển sang quy cách mới, khống chế các công ty này.

'Sát kê kinh hầu'

Giáo sư Zhang nói rằng trong khi Bắc Kinh muốn kiềm chế lĩnh vực này - thì họ sẽ không muốn giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng của nền kinh tế.

“Trong ngạn ngữ Trung Quốc có câu 'Sát kê kinh hầu' (giết gà để dọa khỉ)," bà nói.

“Alibaba sẽ được lấy làm ví dụ, làm bài học cho các hãng công nghệ khác rút kinh nghiệm.

"Nếu bạn đặt mình vào vị trí của giới lãnh đạo Trung Quốc, họ chắc chắn muốn kinh tế thịnh vượng. Tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Kinh nghiệm của Alibaba sẽ đảm bảo những công ty khác tuân theo qui định".

Rui Ma đồng ý và nói rằng các quy định sẽ giúp giúp các công ty nhỏ hơn ở Trung Quốc đổi mới sáng tạp bởi họ cho đến nay vẫn bị các đối thủ lớn chèn ép.

"Các nhà đầu tư mạo hiểm trong nước mà tôi đã nói chuyện thường ủng hộ các quy định này," bà nói.

"Họ nghĩ rằng có nhiều cơ hội hơn để tìm được những công ty trẻ hơn, mới hơn mà trước đây chưa từng có cơ hội."

https://www.bbc.com/vietnamese/business-56761377

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét