Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

6079 - Tương lai đối tác cựu thù: Việt Nam giải quyết thặng dư thương mại kỷ lục với Mỹ như thế nào?

VOA Tiếng Việt

Thặng dư thương mại ngày càng tăng cao giữa Việt Nam và Mỹ được xem là một vấn đề cản trở sự phát triển mối quan hệ kinh tế giữa hai nước dù lợi ích song trùng về anh ninh chiến lược và ổn định khu vực giữa Hà Nội và Washington đang ngày càng đưa hai nước gần lại với nhau hơn.

Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã đưa Việt Nam và danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ và một trong ba tiêu chí được dùng để đánh giá là có mức thặng dư thương mại song phương với Mỹ trên 20 tỷ USD. Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cũng trong thời gian ông Trump làm tổng thống, đã tiến hành điều tra các hành vi định giá tiền tệ và sử dụng nguồn gốc gỗ được cho là phi pháp của Việt Nam.

Tuy nhiên Bộ Tài chính Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ, một kết quả mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nói là một “nỗ lực lớn” về ngoại giao của Việt Nam.

“Chúng tôi hoan nghênh động thái mới nhất của chính quyền Biden khi rút Việt Nam ra khỏi danh sách này và chúng tôi không còn là nước thao túng tiền tệ nữa,” Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Hà Kim Ngọc, cho biết hôm 27/4 tại một buổi hội thảo trực tuyến, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington tổ chức. “Nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi còn có những vấn đề cần phải cùng nhau giải quyết.”

Thặng dư thương mại kỷ lục

Việt Nam là quốc gia có mức thặng dư thương mại vào Mỹ lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Mexico. Năm ngoái mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đạt mức kỷ lục, gần 69,7 tỷ USD, và là mức cao nhất kể từ khi hai quốc gia cựu thù nối lại giao thương hàng hoá vào năm 1992. Đây là mức tăng gần 25% so với năm trước đó, theo thống kê của Cục Dân số Hoa Kỳ.

Đại sứ Ngọc cho rằng vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng tăng cao là một thực tế và Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ với Washington để giải quyết vấn đề này.

“Chúng tôi đã mua nhiều hàng hoá Mỹ hơn. Chúng tôi mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Mỹ và chúng tôi thấy là các dịch vụ và các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam tăng mạnh. Đồng thời chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Hoa Kỳ,” Đại sứ Việt Nam tại Washington nói.

An Phát Holdings, công ty sản xuất nhựa thân thiện với môi trường hàng đầu ở Đông Nam Á của Việt Nam, đã đầu tư 200 triệu USD để xây dựng một nhà máy ở Mỹ. Theo Đại sứ Ngọc, công ty của Việt Nam đã tạo ra hàng trăm việc làm ở Mỹ và đang mở rộng các hoạt động ở đây.

Vingroup, tập đoàn kinh doanh lớn nhất Việt Nam, hiện cũng đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện tại California. Đại sứ Ngọc cho biết tại sự kiện của CSIS về tương lai quan hệ đối tác Việt Nam và Mỹ rằng, Vingroup đang đầu tư hàng trăm triệu USD để sản xuất xe ô tô điện tại Mỹ. Còn theo Bloomberg, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người sáng lập Vinfast – hãng sản xuất ô tô nội địa hàng đầu Việt Nam thuộc tập đoàn Vingroup, sẽ đóng góp 2 tỷ USD từ tài sản của mình vào tham vọng của Vinfast tại thị trường Mỹ.

Thủ tướng Chính trong tháng này cũng nói rằng Việt Nam đang làm việc với các cơ quan chức năng của Mỹ trong tổng thể Kế hoạch Hành động hướng đến cán cân thương mại hài hoà bền vững giữa hai nước.

Sự gia tăng nhanh chóng trong thặng dư thương mại với Mỹ đã khiến Việt Nam trở thành trọng tâm bị nhắm mục tiêu của Washington dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, người đã đe doạ áp thuế lên hàng hoá Việt Nam nếu quốc gia Đông Nam Á không tìm cách giải quyết việc này.

Tăng cường nhập khẩu

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và để tránh bị nhắm mục tiêu trở lại cho một “cuộc chiến thương mại” tiềm năng, Việt Nam đã nỗ lực làm “hài hoà hoá” cán cân thương mại với Hoa Kỳ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ trong những năm gần đây. Năm ngoái, Việt Nam phê duyệt một dự án điện khí hoá lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đã lên kết hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Hồi tháng 7 năm ngoái, Việt Nam công bố đã nhập khẩu lô than đá đầu tiên từ Mỹ, mở đường cho việc nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ trong dài hạn.

Việt Nam và Mỹ, theo Bộ Công thương cho biết, đã xây dựng một kế hoạch hành động với nhiều giải pháp cụ thể hướng đến cán cân thương mại hài hoà và bền vững giữa hai nước trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác giữa chính phủ Hà Nội với các chính quyền liên bang cũng như các tiểu bang của Hoa Kỳ. West Virginia là một trong những tiểu bang của Mỹ hợp tác với Bộ Công thương Việt Nam, khi năm ngoái đã xuất khẩu gỗ cứng có giá trị 14,8 triệu USD và các sản phẩm khác với tổng trị giá hơn 5 triệu USD.

Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ trị giá gần 10 tỷ USD trong năm ngoái. Tuy nhiên con số này thấp hơn 8 lần so với mức xuất khẩu 79 tỷ USD hàng hoá Việt Nam sang Mỹ.

Theo Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Hoa Kỳ AmCham ở TPHCM, Mary Tarnowka, cho biết tại buổi thảo luận của CSIS hôm 27/4, để giải quyết sự mất cân bằng về cán cân thương mại với Mỹ, Việt Nam có thể “tăng cường nhập khẩu năng lượng, nông sản, máy bay, các thiết bị hạ tầng, và thậm chí có thể là cả các mặt hàng quốc phòng.”

Theo người từng là Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM, chính quyền Mỹ hiện tại có thể “không hoàn toàn chú ý đến vấn đề này” nhưng bà Tarnowka cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tìm cách giải quyết vấn đề mất cân bằng trong cán cân thương mại với Mỹ vì lợi ích của mối quan hệ và tránh những căng thẳng giữa hai nước trong tương lai.

Tuy nhiên, với bối cảnh đại dịch COVID và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ ra khỏi Trung Quốc – khi Việt Nam là nơi nhiều công ty Mỹ lựa chọn để đưa dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới trong bối cảnh chiến tranh thương mại – thì thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam có thể sẽ còn tăng trong thời gian tới, theo Đại sứ Ngọc.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề này một sớm một chiều và tôi nghĩ với nhu cầu tăng cao từ Mỹ đối với hàng hoá từ Đông Nam Á và nhất là từ Việt Nam, thì chúng ta sẽ thậm chí còn thấy một sự gia tăng (về mất cân bằng) trong thương mại song phương,” Đại sứ Việt Nam tại Washington nói. “Nhưng tôi muốn nói rằng cả hai bên đều có tin thần hợp tác và cùng nỗ lực làm cân bằng cán cân thương mại. Tuy nhiên sẽ mất một thời gian dài.”



https://www.voatiengviet.com/a/tuong-lai-doi-tac-cuu-thu-lam-the-nao-de-viet-nam-can-bang-thuong-mai-voi-my/5874173.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét