Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

6052 - Hòa giải và hòa hợp đãi bôi

Phạm Trần
Ngày 30/4 năm thứ 46 sau 1975 đặt ra câu hỏi : Còn bao nhiêu năm nữa thì người Việt Nam ở hai đầu chiến tuyến trong chiên tranh mới "hòa giải, hòa hợp" được với nhau để thành "Một Người Việt Nam" ?Hỏi chơi vậy thôi chứ cứ như tình hình bây giờ thì còn mút mùa lệ thủy. Nhưng tại sao ? Sau đây là những lý do.

hoagiai1

Giấy ra trại của nữ Thiếu tá Trưởng đoàn đặc nhiệm Cảnh sát Đô thành, bị bắt ngày 15/06/1975 và được trả tự do về Sài Gòn ngày 15/02/1988, sau 13 năm bị giam trong các trại học tập cải tạo - Ảnh minh họa

Bên thắng không có lý do gì để hòa giải với bên thua

Thứ nhất, đảng cộng sản cầm quyền độc tài tại Việt Nam không hề quan tâm đến vấn đề "hòa giải" thật sự mà chỉ đặt mục tiêu vào "hòa hợp". Họ quan niệm rằng, "bên thắng" không có lý do gì để hòa giải với bên thua. Do đó, nếu bên thua muốn góp sức chung tay xây dựng đất nước thì chỉ có cách là "hòa hợp" vào với Chế độ, dưới sự lãnh đạo duy nhất và tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam.

Bằng chứng như phát biểu của cố luật sư Nguyễn Trần Bạt (mất ngày 15/12/2020) : "Vấn đề hòa giải nên xem lại, bởi vì bài toán xung đột của chiến tranh đã được giải xong rồi, người thắng kẻ thua cũng rõ rồi. Hòa giải là phải có hai bên, vì thế tôi nghĩ bây giờ không có cơ sở nào để đặt ra vấn đề hòa giải. Hòa giải là kết quả của sự thương lượng chính trị của các phe chính thống giai đoạn trước 30/4/1975. Còn hòa hợp là công việc mà Đảng cộng sản Việt Nam đã làm từ năm 1946 đến giờ, là một trong những thành tựu chính trị quan trọng nhất của Đảng cộng sản Việt Nam" (Quân đội nhân dân, 28/4/2020).

Phía cộng sản Việt Nam còn lập luận rằng việc chính quyền mới khi vào Sài Gòn ngày 30/4/1975 mà không "trả thù" những thành phần có "nợ máu với nhân dân", hay đã "nhân đạo" đưa họ đi học tập cải tạo rồi trả lại quyền công dân là hành động nhân văn.

hoagiai2

hoagiai3

Quân đội (trên) và công chức (dưới) miền Nam bị đưa vào trại tập trung để sau đó chuyển đi những trại cải tạo - Ảnh minh họa

Đây cũng là lối biện giải của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng với báo chí trong nước dịp 30/4/2020. Ông nói : "Bảo là không có kẻ thắng người thua là không đúng. Thắng rồi nhưng tôi không có trả thù. Thắng rồi tôi khoan dung. Thắng rồi tôi tạo điều kiện cho anh quay trở lại cuộc sống bình thường. Đó là tấm lòng nhân ái của đảng và nhà nước mình" (RFA, 30/4/2020).

Ngay cả nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng rêu rao : "Chúng ta giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30/4 với kết quả một thành phố Sài Gòn nguyên vẹn và sau giải phóng Miền Nam, không hề có "tắm máu" chính là nhờ chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hòa giải, hòa hợp dân tộc xuất phát từ truyền thống khoan dung, nghĩa tình của dân tộc ta từ xưa".

Nói vây mà đâu phải vậy. Bởi vì, chuyện bị tra tấn, biệt giam khổ hình, chết trong lao tù và lao động đầu tắt mặt tối lâu năm, thay vì chỉ ít ngày như đã hứa, của hàng trăm ngàn tù "cải tạo" sau ngày 30/4/1975 không bao giờ cộng sản Việt Nam có thể phủ nhận là bằng chứng "tắm máu" khác sau ngay 30/4/1975.

Rồi hậu quả tan nát của những gia đình người miền Nam bị đuổi khỏi các thành phố đi lao đông ở "vùng kinh tế mới", tư sản bị đánh sập, tự do bị tước bỏ, tín ngưỡng bị hạn chế, văn hóa bị chà đạp, hủy hoại và hàng chục ngàn người đã bỏ mình trên Biển Đông trên đường tìm tự do là tội ác của ai, nếu không là trách nhiệm riêng của Đảng cộng sản Việt Nam ? Nỗi kinh hoàng này vẫn luôn đeo đuổi người miền Nam trong suốt 46 năm qua.

Mặt trái của hai nghị quyết

Thứ hai, để vận động người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Chính trị cộng sản Việt Nam đã đưa ra Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/03/2004, trong đó đề cao quan điểm : "người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam". Đồng thời "chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ ta".

hoagiai4

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-Ct/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới - Ảnh minh họa

Nhưng, đến bây giờ đã 46 năm rồi mà chưa thấy Nhà nước có hành động chứng minh thật lòng đoàn kết dân tộc và xóa bỏ hận thù. Chưa thấy có bất cứ văn kiện chính thức nào đưa ra kêu gọi ngưởi Việt ở nước ngoài về nước được độc lập và bảo đảm có tự do tham gia vào các sinh hoạt chính trị, xã hội, tôn giáo, văn hóa và văn nghệ. Chỉ thấy đó đây nhan nhản lời mồi chài Việt kiều đem tiền về nước đầu tư hay gửi tiền về giúp đỡ thân nhân.

Mỗi năm, trung bình tổng số kiều hối gửi về Việt Nam từ 12 đến 26 tỷ USD, nhưng Nhà nước đã "hòa giải’ được gì với nhân dân Việt Nam Cộng Hòa ?

Bên cạnh đó, chuyến thăm Hoa Kỳ (từ ngày 10-22/10/2012) của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (thời đó) đã hoàn toàn thất bại. Ông Sơn có gặp một số "Việt kiều" để thảo luận hợp tác, nhưng những người này không đại diện cho ai và vị tẩy chay.

Trong khi đó, Ban Tuyên giáo đảng, Tổng cục chính trị quân đội và công an đã tập trung các bài viết đề cao chính sách "đoàn kết dân tộc" để xây dựng đất nước dưới quyền cai trị độc tôn của Đảng cộng sản. Đồng thời cũng lên án và vu khống cho những đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền, quyền ra báo, quyền hội họp, quyền được lập hội, và quyền biểu tình của dân trong nước là âm mưu của các thế lực thù địch muốn gây bất ổn định, muốn thành lập đảng đối lập để xóa vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bằng chứng như Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, một chuyên gia về đối ngoại quốc phòng nói : "Trong lịch sử, chế độ đa nguyên, đa đảng đã sớm xuất hiện từ lâu. Chủ nghĩa đa nguyên phủ định tính thống nhất của thế giới, cường điệu cái riêng ; phủ nhận sự phân chia xã hội thành giai cấp, phủ nhận đấu tranh giai cấp ; chủ trương xây dựng một cơ chế quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái và các tổ chức đảng phái này quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. Nếu áp dụng quan điểm này vào chủ nghĩa xã hội sẽ dẫn tới hạ thấp vai trò của Đảng cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân thành một tổ chức tầm thường và nguy cơ phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản".

Ông tướng này còn nói : "Ở Việt Nam không cần sự tồn tại của chủ nghĩa đa nguyên - một thứ cơ sở lý luận cho việc thực hiện chế độ đa đảng. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử ; là ý nguyện của nhân dân Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam chứ không cần thêm bất cứ một tổ chức, đảng phái chính trị nào khác lãnh đạo cách mạng Việt Nam" (Quân đội nhân dân, 28/04/2020).

Nhưng sự thật là đảng đã tự phong rồi tự chiếm lấy quyền cai trị không qua sự lựa chọn bầu phiếu dân chủ và tự do nào của nhân dân. Vì vậy, chẳng làm gì có chuyện "là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, là ý nguyện của nhân dân Việt Nam"

Cũng "tát nước theo mưa", khi cường điệu tự khoe : "Chế độ một đảng mà làm tốt công tác chống dịch Covid-19 hơn hẳn các nước đa đảng, để toàn thế giới khâm phục, ca ngợi nước ta rất nhân văn, khi họ nhìn rõ Đảng, Nhà nước ta chống dịch rất hiệu quả, là bởi tạo sức mạnh đồng thuận toàn dân tộc. Tốt đẹp như thế thì vội vã thay đổi theo một số người, liệu có đưa xã hội tử tế hơn hiện thời không, hay lại tan nát, thậm chí loạn lạc, chiến tranh như ở Đông Âu hay Trung Đông đấy thôi ?" (Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Quân đội nhân dân, 27/04/2020).

Chuyện ông Thọ lo loạn lạc, chiến tranh chẳng qua là ông đã tưởng tượng ra đấy thôi. Hãy lấy nước Đức, nơi ông Thọ đang sống, mà soi gương xem họ đã thống nhât đất nước năm 1990 và xóa bỏ hận thù thế nào để bây giờ là một cường quốc kinh tế của thế giới ?

Ngoài ra còn có luận cứ "ăn cây nào rào cây ấy" của Phó giao sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tú, Đại tá, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

Ông Tú viết trên Tạp chí Tuyên giáo : "Dựa trên cơ sở khoa học cả về lý luận và thực tiễn, cho phép chúng ta khẳng định dứt khoát rằng : Ở Việt Nam hiện nay không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng !".

Theo ông Tú : "Nếu áp dụng quan điểm này (đa nguyên, đa đảng) vào chủ nghĩa xã hội sẽ dẫn tới hạ thấp vai trò của Đảng cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân thành một tổ chức tầm thường và nguy cơ phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản".

Như vậy có phải Đảng cộng sản Việt Nam đã sợ phải đấu tranh với những tổ chức chính trị không cộng sản nên ông Tú mới lý luận cù nhầy rằng : "Chủ nghĩa đa nguyên là sản phẩm của giai cấp tư sản với thế giới quan phi khoa học, trái với chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong khi đó, Đảng cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn mãi xác định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng. Chính điều đó đã, đang và sẽ mãi bảo đảm cho Đảng cộng sản Việt Nam - đảng chính trị duy nhất tồn tại, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Do vậy, ở Việt Nam không cần sự tồn tại của chủ nghĩa đa nguyên - một thứ cơ sở lý luận cho việc thực hiện chế độ đa đảng" (Tạp chí Tuyên giáo số tháng 7/2018).

Nguyễn Phú Trọng

Cũng tự mãn như ông Giáo sư Nguyễn Xuân Tú, vào ngày 27/02/2010, ông Nguyễn Phú Trọng thăm Ân Độ trong tư cách Chủ tịch quốc hội cũng nói rằng : "Thực tiễn các bạn thấy đất nước chúng tôi là chính trị xã hội ổn định, nhân dân được làm chủ trên thực tế, Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, các đoàn thể cũng có tiếng nói và đang làm nhiệm vụ phản biện, giám sát xã hội". Ông chỉ rõ : "Việt Nam đang phát triển, đang đi lên, từ thực tế hoàn cảnh cụ thể của đất nước, chúng tôi thấy thực hiện một đảng vẫn là có hiệu quả nhất".

Trong cuộc phỏng vấn của báo Indian Express, ông Trọng nói thêm : "Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, hai đảng thì ít dân chủ hơn và một đảng thì ít dân chủ nữa, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất. Và cũng không nhất thiết cứ kinh tế thị trường thì phải đa đảng và ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất cho đến bây giờ" (Thông tấn xã Việt Nam, 27/02/2010).

Sự thật thì nhân dân chưa hề bao giờ được làm chủ đất nước, nếu không được đảng cho phép. Bằng chứng như đất đai thuộc về toàn dân nhưng lại do nhà nước quản lý.

Đảng cũng chỉ thị công an phải ngăn chặn không cho thành lập tổ chức chính trị đối lập. Người dân cũng không được quyền ra báo, lập đài phát thanh, đài truyền hình.

Theo tin chính thức, tính đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập ; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Nhưng tất cả đều là của các cơ quan, tổ chức đảng. Số người phục vụ cho báo, đài có trên 10 ngàn người nhưng chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tuyên truyền cho chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Như vậy thì "đoàn kết nhân dân" để làm gì, nếu không phải là làm tay sai cho đảng cầm quyền ?

Thực tế phũ phàng này do Đảng tạo ra và nuôi dưỡng đã ăn sâu, bám rễ trong tư duy kỳ thị vùng miền, kẻ thắng, người thua trong chiến tranh. Đảng kêu gọi : "Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội" (Nghị quyết Đảng XIII, ngày 26/02/2021), nhưng Đảng chưa hề cho dân được quyền tự quyết định tương lai chính trị của mình. Chia rẽ dân tộc, hận thù trong tương quan hàng ngày giữa "kẻ thắng" và "người thua" vẫn đang hiển hiện ở khắp Sài Gòn, nơi có hàng ngàn thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa bị hắt hủi và ruồng bỏ bởi chính quyền mới, ngay từ sau ngày 30/4/1975.

Bầu Quốc hội cho ai ?

Ngay cả chuyện bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 23/05/2021 cũng vẫn lả chuyện "đảng cử dân bầu". Không có bất cứ người nào của chế độ cũ Sài Gòn dám ra ứng cử thì đủ thấy tính phản dân chủ và chống hòa giải dân tộc của Nhà nước cộng sản Việt Nam rõ ràng như thế nào.

Với chủ trương "ăn hết, vét sạch", kỳ này đã có
17/18 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII ứng cử Đại biểu quốc hội khóa XV, trong đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lần thứ 5 liên tiếp ứng cử tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh được chỉ định ứng cử ở Sài Gòn. Trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính được đưa về Cần Thơ , và Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ lại xếp cho ứng cử ở Hải Phòng.

Tổng số ứng cử viên Quốc hội khóa XV là 1.093 người, trong đó Trung ương chiếm 205 người (có 100 người tái cử), địa phương là 888 ứng viên và 75 người tự ứng cử.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, 84 tuổi, một khuôn mặt đấu tranh dân chủ nổi tiếng ở Hà Nội đã bị loại ngay vòng đầu ngày 8/4/2021 vớ lý do "quá già", sợ không đủ sức khỏe để phục vụ.

Giáo sư Cống nói với đài RFA rằng : "Theo Hiến pháp và Luật Bầu cử Quốc hội Việt Nam, việc ông tự ứng cử là hoàn toàn phù hợp căn cứ vào điều khoản không phân biệt tuổi tác".

Theo RFA : "Vừa qua có hai người tự ứng cử đại biểu quốc hội ở phía Bắc là ông Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng bị bắt giam. Cả hai bị cáo buộc ‘Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống Nhà nước’ theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015".

Một chế độ độc tài cai trị, độc quyền tổ chức bầu cử và một mình sắp đặt đơn vị cho ứng cử viên để cử tri bỏ phiếu "bầy hàng" như thế thì có xứng đáng nói chuyện hòa giải và hòa hợp dân tộc không ?

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/21345-hoa-gi-i-va-hoa-h-p-dai-moi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét