BTV Tiếng Dân
Các đập thủy điện mang lại nhiều lợi lộc cho các quan chức, nhưng đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng, tài sản của dân lành. Mâu thuẫn lợi ích giữa quan với dân về các đập thủy điện ngày càng căng thẳng hơn. Phát biểu chiều 2/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, với sự ủng hộ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã quyết bảo vệ cho các đập thủy điện.
Nhưng sau đó một số ĐBQH như Nguyễn Lân Hiếu, Hoàng Đức Thắng… đã phản biện và chỉ ra tác hại của thủy điện, nên hôm nay Bộ trưởng Tuấn Anh đã phải đổi giọng, thừa nhận một phần trách nhiệm của thủy điện đối với các hiện tượng lũ chồng lũ và sạt lở đang diễn ra ở miền Trung.
VOV dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Thủy điện có tính 2 mặt và có tác động đến rừng”. Bộ trưởng Tuấn Anh phát biểu: “Chúng ta không phủ nhận những tác động tiêu cực do thủy điện gây ra… Có những công trình tác động đến dòng chảy, tác động đến địa chất trong khu vực cũng như nguồn lợi thủy sản và đời sống của nhân dân, chiếm đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, ảnh hưởng đến chức năng của rừng trong phòng, chống lụt bão và môi trường”.
Nhưng Bộ trưởng Anh vẫn bảo vệ thủy điện: “Thủy điện cũng đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương cũng như phát triển năng lượng của cả nước. Ngoài việc phát điện thì các hồ chứa nước thủy điện còn có tác dụng tích nước, cắt lũ và giảm lũ tùy thuộc vào công suất”.
Chốt lại vẫn là hứa hẹn: Bộ trưởng Công Thương hứa quản lý tốt thủy điện, giảm tác động thiên tai, theo VietNamNet. Ông Anh hứa: “Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý hiệu quả thủy điện, giảm bớt tác động thiên tai. Với các ý kiến góp ý của đại biểu, chúng tôi sẽ tiếp thu để tiếp tục siết chặt quản lý phát triển thủy điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường”. Vấn đề ở chỗ, ai sẽ giám sát việc thi hành khi tiếng nói của người dân không có trọng lượng?
Báo Gia Đình và Xã Hội dẫn thống kê của ĐBQH Trần Thị Dung: 25 dự án thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã lấy đi 68.000 hecta rừng. Bà Dung lưu ý: “Việc xây dựng 25 dự án thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã lấy đi 68.000 hecta rừng của 26.000 hộ dân hoặc hồ chứa, đập thủy điện đã gây ra động đất cường độ nhỏ. Tháng 1/2017 đến tháng 8/2018 tại tỉnh Quảng Nam đã có 69 trận động đất cường độ từ 2,5 đến 3,9 độ richter Trong đó 63 trận được ghi nhận tại huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, nơi có thủy điện Sông Tranh 2 đang vận hành”.
ĐBQH thuộc đoàn Đắk Lắk, Tướng Nguyễn Thị Xuân đề nghị rà soát các dự án thuỷ điện ảnh hưởng đến rừng, VTC đưa tin. Theo bà Xuân, một số cử tri phản ánh, thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là để hợp thức hóa khai thác gỗ và tài nguyên, nhiều chủ dự án thủy điện nhỏ sau khi được cấp giấy phép xây dựng nhanh chóng bán lại cho các chủ đầu tư khác.
Bà Xuân nói: “Cần rà soát, kiểm tra xem có bao nhiêu dự án thủy điện đã sang tên cho các chủ đầu tư khác, đánh giá hiệu quả hoạt động của các thủy điện này để có phương án quy hoạch hiệu quả bền vững”.
Trang Bảo Vệ Pháp Luật có bài: Để đất nước không còn thấy đau đớn, không thấy xót xa, không thấy thiệt thòi. Bài viết dẫn lời ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, phản biện quan điểm của Bộ trưởng Tuấn Anh về “tính 2 mặt” của thủy điện: “Tuy nhiên đến thời điểm này chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định mặt tốt là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời?” Nghị Nhưỡng lưu ý, VN vẫn có tiềm năng “về năng lượng xanh, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và chúng ta có thể thay thế được”.
VTC có clip: Thủy điện “nuốt rừng”, thiên nhiên “nổi giận”?
Tại một trong các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của tỉnh Quảng Nam bởi lũ chồng lũ do thủy điện, chính quyền huyện Nam Giang muốn thủy điện Đak Mi 4 phải bồi thường cho dân, báo Người Lao Động đưa tin. Chiều 28/10, thủy điện Đak Mi 4 đã xả lũ với lưu lượng trên 7.000 m3/giây trong tình hình mưa lũ sau bão số 9, khiến khoảng 350 hộ dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ bị trôi hết tài sản, nhà cửa.
Bí thư Huyện ủy Nam Giang Lê Văn Hường cho rằng, vụ thủy điện xả lũ quá bất ngờ, khi chính quyền nhận được thông tin thì nước đã lên rất nhanh, nên không kịp hỗ trợ di dời tài sản của người dân: “Bão số 9 vừa qua, tôi đi kiểm tra thiệt hại sau bão thì nghe anh em báo nước đổ về rất nhanh. Chúng tôi đi qua khu vực Cầu Cơn thì không đi được phải quay về. Một lúc sau đi về lại cầu Bến Giằng cũng đã ngập sâu không qua được”.
Mâu thuẫn giữa dân và các quan chức về thủy điện, báo Pháp Luật TP HCM có bài: Tranh cãi nảy lửa về việc thủy điện xả lũ gây thiệt hại. Hàng trăm hộ dân mất nhà cửa, tài sản nhưng các quan chức vẫn bám chặt lấy từ khóa “đúng quy trình”. Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam Trương Xuân Tý cho rằng, đợt lũ vừa qua là lịch sử, thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ về hạ du “dù khẩn cấp nhưng rất kịp thời và đã góp phần cắt lũ. Việc điều hành của thủy điện Đắk Mi 4 cũng không vi phạm”.
https://baotiengdan.com/2020/11/04/tranh-cai-ve-cac-dap-thuy-dien/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét