Nhân trong nước đang sơ kết đợt kỷ niệm 95 năm ngày “báo chí cách mạng”, thiết tưởng nên nhắc lại một phát biểu nổi tiếng của Karl Marx, vốn được những người CSVN vinh danh là bậc thầy cách mạng vô sản: “Ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí”. Ấy vậy mà những người học trò ngày nay của Marx đã không làm theo lời giáo huấn ấy của sư phụ. Theo “Thông cáo báo chí của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (HNBĐL)”, nhà cầm quyền trong nước lâu nay đã và đang thẳng tay đàn áp trắng trợn, đối xử tàn độc đối với HNBĐL Việt Nam nói riêng và các tổ chức xã hội dân sự nói chung, cũng như những tiếng nói công dân khác sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình.
Việc bắt giữ các nhà báo “ngoài quốc doanh” Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn cùng nhiều Blogger và Facebooker vừa qua rõ ràng là hành động vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền, vi phạm ngay đến bản Hiến pháp của Việt Nam, nhằm triệt tiêu toàn bộ quá trình phản biện ôn hòa của các công dân, tiêu diệt các tổ chức xã hội dân sự. Hành động đàn áp này đi ngược lại những cam kết của chính quyền Việt Nam đối với người dân trong nước và đối với cộng động thế giới, chống lại xu thế tiến bộ của nhân loại trong việc thực thi các giá trị phổ quát.
Mà cũng không cần phải viện dẫn đến phát biểu của Karl Marx và tuyên bố của HNBĐL mới thấy hết được tính chất “phản tiến bộ” của báo chí chính thống ở Việt Nam ngày nay. Hãy nghe chính những bộc bạch “gan ruột” của những người trong cuộc - các “lãnh đạo báo” ở trung ương lẫn địa phương - mới thấy hết được mức độ xuống cấp chạm đáy của cái gọi là nền “báo chí cách mạng”.
Với tư cách là Tổng biên tập của tờ “Năng Lượng Mới” (Petrotimes) Đại tá Nguyễn Như Phong khuyên toàn bộ nhà báo Việt Nam hãy theo gương con chó để trở thành một nhà báo giỏi. Theo Đại tá Nguyễn Như Phong, con đường duy nhất để một nhà báo ở trong nước không bị tụt hậu lại phía sau so với đồng nghiệp là nhà báo ấy phải biến thành chó, chứ không còn cách nào khác (!) Ông Phong trước đó từng có vai vế trong tập đoàn báo chí có thể nói là khủng nhất ở Việt Nam - một tổ hợp báo chí của Bộ Công an.
Chưa hết, tính “cách mạng” của những tờ báo Việt Nam được nhà nước “nuôi” không biết triệt để đến mức nào, nhưng có một câu chuyện từng lan tỏa trong giới báo chí (cả báo chí lẫn “báo… chó”, như cách anh em làm báo thường tự giễu cợt về ngành mình) ở Hà Nội nhiều năm trước đây. Câu chuyện được thuật lại như sau: Một tòa soạn báo ngành, khoảng 6 tháng không có tiền trả nhuận bút cho anh em. Các cô phóng viên trẻ nửa khóc nửa mếu kêu lên “Lãnh đạo báo” thì được ông Phó tổng biên tập trả lời: “Chúng mày trẻ trung xinh đẹp thế này mà phải sống bằng nhuận bút à?” Câu chuyện ngầm này kể ra, bất cứ ai trong nghề báo lâu năm đều rành rẽ. Nhưng huỵch toẹt như ông Phó tổng kể trên thì hiếm có. Chẳng khác nào so sánh đồng nghiệp của ông với các cô gái “ăn sương”.
Thật ra cũng chẳng hiểu từ lúc nào, những tấm băng rôn trên các lẵng hoa - có những chậu hoa lan có giá đến nhiều triệu đồng, mà các ban ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp ùn ùn khiêng đến các tờ báo nhà nước - đã được lệnh đổi từ “Chúc mừng ngày Nhà báo Việt Nam” thành “Chúc mừng ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam”. Phải chăng đây là một sự thừa nhận, bên cạnh nền báo chí có danh xưng là “cách mạng”, mà thực chất là “phản tiến bộ”, thì còn tồn tại một nền báo chí theo đúng nghĩa là của nhân dân, vì nhân dân và được viết bởi các đại biểu nổi bật từ xã hội dân sự. Cũng chẳng cần viện dẫn các so sánh trên đây mới thấy hết tính chất phản cách mạng, phản tiến bộ của cái gọi là nền “báo chí cách mạng”.
Từ bảy, tám trăm năm trước, tổ tiên ta đã có quan niệm khá hiện đại về tự do ngôn luận. Thời bấy giờ có bà Bích Châu, một phi hậu của vua Trần Duệ Tông, từng khuyên nhà vua thế này: “Hãy cầu lời nói thẳng, để cho cổng thành cùng đường ngôn luận rộng mở”. Mở cổng thành, nghĩa là để có thông thương đi lại tự do dễ dàng, một nhu cầu bình thường của cuộc sống. Trong thời hiện đại, mở cổng thành, chính là tạo điều kiện cho kết nối, giao thương thông thoáng. Còn đề cập đến đường ngôn luận rộng mở là nhằm làm cho triều đình có thể lắng nghe những nguyện vọng của dân chúng, lắng nghe những lời can gián của trung thần.
Điều nói trên cũng được phản ảnh trong tư tưởng thân dân của đời Trần, khi Thiền sư Phù Vân tâu với vua Trần Thái Tông: “Xin nhà vua lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy lòng thiên hạ làm lòng của mình”. Trong thời kỳ phong kiến mà lại có tư tưởng rộng mở ấy quả thật nhân văn và tiến bộ. Tiền nhân dạy: “Con hơn cha là nhà có phúc!” Nhưng ngày nay, chúng ta thua cha ông trên nhiều phương diện. Thua về tự do ngôn luận chỉ là một chiều kích. Một nền “báo chí cách mạng” với hơn 700 đầu báo, tạp chí mà chỉ có một Tổng biên tập, đó là Trưởng ban tuyên giao trung ương. Với thực trạng này, không nhẽ chúng ta “vô phúc” đến mức phải đi thụt lùi về phía văn minh nhân loại?
Có thể các cơ quan chức năng đã có con số thông kê nhưng người ta chỉ lưu hành nội bộ. Những báo như “Nhân Dân” hay Tạp chí “Cộng Sản”, có quy chế về mặt hành chính là ngang với cấp Bộ (vì thế mà Ban biên tập ở những cơ quan báo chí ấy thường được gọi là “Bộ Biên Tập”), nhưng số độc giả của những ấn phẩm ấy chắc chắn thua xa các trang mạng xã hội. Hãy vinh danh một vài cái tên có thể cạnh trang ngang ngửa với báo chí chính thống, từ “Ba Sàm” (trước đây) đến “Tiếng Dân” (ngày nay), từ Blog của “Tễu” đến Bản tin “Việt Nam thời báo”... Ở Việt Nam ngày nay, nhất là vào thời điểm cuộc đấu tranh quyền lực trước thời điểm Đại hội 13 đang diễn ra gay gắt, người người - nhà nhà đều lên các trang mạng để biết được một phần của các cuộc đấu đá “cung đình”.
Chính những người làm báo “không cách mạng” ấy chẳng mấy băn khoăn trong đợt “tảo thanh” sắp tới dưới cái tên mỹ miều: “Đề án sắp xếp báo chí Việt Nam” giai đoạn cuối. Từ lâu, những nhà báo trên các trang mạng xã hội đã hành nghề một cách cạnh tranh và sòng phẳng. Dù lực lượng của họ chưa nhiều nhưng đấy là những điểm tựa cuối cùng của công chúng hướng về một nền báo chí đúng nghĩa. Ở một vài tờ báo tư nhân bắt đầu manh nha phải thay đổi, phải đổi mới cả nội dung lẫn hình thức để sống bằng nghề báo, chứ không bán “lá cải sỉ” nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét