Cũng cần có lúc, các nhà nghiên cứu về lịch sử nên đặt lại câu hỏi, vì sao ngày 21-6 hàng năm, được gọi là ngày Báo chí Việt Nam, chứ không phải gọi đúng tên là ngày báo chí của đảng Cộng sản Việt Nam? Dĩ nhiên, việc xét lại này, cần dựa trên lòng tự trọng và sự tử tế của trí thức Việt Nam có suy nghĩ tự do, không tư tưởng nô lệ đảng phái nào.
Theo những gì mà tư liệu của nhà nước hiện nay đưa ra, ngày 21-6-1925 là ngày mà ông Lý Thụy (tức Hồ Chí Minh) cho ra đời tờ Thanh Niên, một tờ báo có nội dung cho phong trào kháng Pháp. Nhưng quan trọng hơn, tờ báo này còn nhằm tạo ảnh hưởng cho khuynh hướng chủ nghĩa cộng sản và phong trào cách mạng của ông Lý Thụy – một bí danh được đặt từ Trung Quốc.
Tờ Thanh Niên, so với những bậc tiền bối của báo chí Việt ngữ, ra đời muộn hơn và thật lòng mà nói, ngoài chuyện chính trị, thì việc đóng góp mở mang nghề nghiệp không thể bì được các tờ hàng đầu như Gia Định Báo (15-4-1865), Nông Cổ Mín Đàm (1-8-1901), Nam Phong Tạp Chí (1-7-1917), Nữ Giới Chung (tháng 7-1918)… Về lịch sử, Thanh Niên có hình thức như truyền đơn, in trên giấy sáp, tên báo viết bằng chữ Việt và chữ Hán, đầu trang 1 bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, giữa ngôi sao có chữ số là số kỳ của tờ báo phát hành. Báo phát hành bí mật và bất định kỳ, (200 – 300 bản/kỳ), mỗi kỳ hai trang, có lúc 4 trang, khổ giấy nhỏ 13x18).
Nếu nói về truyền đơn, thì lúc đó ở Việt Nam xuất hiện vô số, trong phong trào kháng Pháp, đặc biệt phải nói là từ phía Việt Nam Quốc Dân Đảng. Với phương tiện và tài chánh hùng hậu nhất thời đó, cũng như con người vào giữa thập niên 20 và 30, ngoài truyền đơn kêu gọi yêu nước kháng Pháp, còn cả tin báo mỗi chi bộ tự phát hành rất rộn rịp cho việc kêu gọi gia nhập phong trào, tin chống Pháp... Để hình dung rõ hơn, vào thời điểm đó, không chỉ là tin báo, truyền đơn, Việt Nam Quốc Dân Đảng có khả năng dàn trải, đủ để mua súng đạn, và tự thành lập các nơi sản xuất bom (loại như tạc đạn ném tay) khắp tỉnh miền Bắc để xây dựng hệ thống quân chính và chiến khu.
Báo Thanh Niên, chủ yếu dựa vào sức viết của Lý Thụy là chính, được gọi là tuần báo nhưng phát hành không đều đến tay người đọc và ít gây ảnh hưởng (ảnh kèm theo), một phần cũng là tránh mật thám Pháp theo dõi. Thực tế, hai tờ báo mà đảng Cộng sản Việt Nam tạo được sự chú ý nhiều nhất là tờ Cứu Quốc (25-1-1942) và tờ Nhân Dân (11-3-1951). Mọi vấn đề của các tờ báo này đều xoay quanh trục tuyên truyền chính trị của đảng Cộng sản.
Cần phải nói thêm, công lao tạo ra những sức phát triển, khuynh hướng… cho báo chí Việt Nam, không thể không kể đến nhiều tờ khởi xướng ban đầu (bao gồm có cả ý muốn phát triển dân trí và quyền chính trị). Chẳng hạn như tờ Nữ Giới Chung (Chung có nghĩa là tiếng chuông), là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại. Tháng 7/1918, tờ Nữ Giới Chung bị đình bản. Chủ bút tờ báo này là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864 – 1922). Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Từ hơn thế kỷ nay, báo chí Việt Nam vẫn có lệ tạo ra ấn bản báo xuân, bản đặc biệt khác với ấn bản thường ngày, nhưng ít ai nhớ rằng, người tạo ra khuynh hướng đó là học giả Phạm Quỳnh (1892-1945), ông là người tạo ra ấn bản đặc biệt chào xuân đầu tiên của người Việt Nam, và từ đó trở thành truyền thống cho đến nay. Học giả Phạm Quỳnh chết năm 1945, mà theo nhiều nguồn sử liệu khác nhau tổng hợp, là do ông khác biệt quan điểm chính trị với những người Cộng sản. Hơn nữa, vào lúc đó có tin người Pháp quay lại và xây dựng một nhà nước độc lập, lại có thể yểm trợ Phạm Quỳnh trở thành người đứng đầu. Mãi đến năm 1956, người ta mới tìm thấy thi hài của ông, trong rừng.
Giai đoạn từ 1939 đến 1947 ở miền Bắc là một bi kịch của người Việt Nam. Rất nhiều học giả, trí thức bị chụp mũ ghép tội, giết chết, thủ tiêu… không chỉ do phía người Cộng sản gây ra, mà còn từ nhiều phe phái khác nhau, bởi xung đột về lập trường Cộng sản – Quốc gia – Quân chủ.
Phóng sự đầu tiên của báo chí Việt Nam, được biết đến, là của ký giả Tam Lang. Năm 1932, tờ Hà Thành Ngọ Báo đã khởi đăng phóng sự nổi tiếng nhan đề “Tôi kéo xe” của nhà báo Tam Lang (tên thật là Vũ Đình Chí), mở đầu cho thể loại phóng sự của báo chí Việt Nam. Để thức tỉnh lương tâm trong xã hội về cái nghề khốn khó này, nhà báo Tam Lang đã nhập vai, tự mình làm kéo xe để lấy tư liệu một cách xác thực và sống động về nghề này.
Kể dài dòng như vậy, để nói rằng, Báo chí của người Việt là một thiên sử thi, độc đáo và thú vị. Lịch sử báo chí của những người Cộng sản chỉ là mảnh ghép rất nhỏ trong ấy. Nếu như nhà nước hiện nay gọi tên 21-6 hàng năm là ngày báo chí cách mạng Cộng sản, thì là điều bình thường. Nhưng nếu gọi đó là ngày báo chí chung của cả Việt Nam thì trở nên lố bịch.
Đặc biệt, ngày báo chí Việt Nam, nếu chỉ nhắc tên ông Hồ Chí Minh như một nhà báo vĩ đại, mà cố ý không nhắc tên học giả Trương Vĩnh Ký thì thật nông cạn. Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898) được người đương thời của ông, xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới. Ông là người yêu thương văn học quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.
Tháng 1/2017, cuốn sách về danh nhân này, có tên “Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ” do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tập hợp tài liệu bị thu hồi không có lý do, dù có giấy phép xuất bản. Trong sách, ông Đầu chứng minh được rất nhiều tư liệu, để thấy rằng học giả Petrus Ký là một người yêu nước, chẳng hạn như ông Nguyễn Đình Đầu trần tình "Trong những lời đối đáp khi chính quyền Pháp yêu cầu Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn, có những văn thơ chứng tỏ là Trương Vĩnh Ký rất bất mãn trong chuyện người Pháp cư xử với người Việt Nam, cho nên ông không muốn hợp tác. Tôi viết ra sau khi xin được những tài liệu mà Trương Vĩnh Ký còn chưa xuất bản mà mới chỉ là nháp".
Sau khi nắm quyền vào năm 1945, những người cộng sản có chủ trương tạo tin tức, hình ảnh để nói rằng những người có dính líu đến người Pháp, kể cả các đảng phái kháng Pháp khác, và đặc biệt là nếu không phải là có cảm tình, hoặc đi theo chủ nghĩa cộng sản đều là thành phần “tay sai”, bất chấp các dữ kiện lịch sử từ nhiều phía cho thấy không như vậy.
Lịch sử Việt Nam nói chung, bị đọa đày không nhiều thì ít, từ chủ trương này, với nhiều nạn nhân như Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh… Nên ngay cả lịch sử báo chí Việt Nam, có tồn tại như thế nào, với con người nào, vẫn bị coi là vô hình hoặc vô giá trị theo quan điểm của nhà cầm quyền.
Vì vậy, ngày 21-6, cũng cần có lúc, gọi lại cho đúng tên, của hệ thống truyền thông phục vụ chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam, như đúng những gì đang diễn ra hiện nay. 21-6 hoàn toàn không đủ tư cách để thay mặt cho nền báo chí của người Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét